DetailController

Văn hóa

Hội thảo khoa học về giá trị 02 di tích Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

13/09/2023 16:30
Ngày 13/9, tại Cung Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học về giá trị 02 di tích Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự Hội thảo, có PGS.TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam; cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan; các Nhà nghiên cứu khoa học khảo cổ của Viện Khảo cổ; Viện Địa Chất; Trung tâm tiền sử Đông Nam Á và UBND huyện Lạc Sơn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Từ khi phát hiện đến nay, các di tích văn hóa Hòa Bình đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới và trong nước quan tâm nghiên cứu. Trong đó, Di tích mái đá làng Vành và di tích hang xóm Trại của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa bình là những đại diện tiêu biểu về di sản Văn hoá Hoà Bình trên đất Hoà Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây còn là các di tích khảo cổ có giá trị lịch sử văn hoá hấp dẫn, độc đáo, là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh trong giai đoạn mở cửa, hội nhập và liên kết vùng. 

Di tích hang Xóm Trại là di tích Văn hoá Hoà Bình tiêu biểu ở Việt Nam và Đông Nam Á, được phát hiện năm 1975, Hang có niên đại 21.000 năm cách ngày nay và đã được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp Quốc gia năm 2001. Qua nhiều lần điều tra, thám sát và khai quật đã phát hiện khối tư liệu khổng lồ bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặt biệt là di vật đá lên đến hàng nghìn hiện vật. Cho đến nay, đây là di tích Văn hóa Hòa Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá. Tại 4 lần khai quật (1980, 1981, 1982, 1986) số lượng công cụ được tìm thấy tại địa điểm này là không lớn lắm….

Di tích mái đá Làng Vành là di tích khảo cổ học thời đại đá tiêu biểu thuộc nền Văn hoá Hoà Bình. được nhà nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và khai quật từ năm 1929. Di tích mái đá làng Vành được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2004. Hiện nay di tích còn giữ được nguyên trạng một phần tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Di tích có địa tầng rất dày, chứa tổ hợp công cụ đá, gốm, mộ táng của cư dân Văn hoá Hoà Bình niên đại từ 17.000 - 8.000 năm cách ngày nay. Thông qua cuộc khai quật phát hiện được dấu vết của một số di tích bếp lửa, các cụm xương động vật, các cụm đá tảng cuội có thể liên quan đến chỗ ngồi chế tác công cụ hay chế biến thức ăn của người tiền sử; các hố bên ngoài hang không phát hiện được các dấu vết di tích. Trong các hố khai quật và thám sát thu được một khối lượng khá lớn về di vật, chủ yếu là đồ đá, đồ xương, đồ gốm và nhuyễn thể; có thêm 7 niên đại tuyệt đối cho di tích mái đá làng Vành, sau khi có kết quả hiệu chỉnh vòng cây sẽ có niên đại tuyệt đối sớm nhất ở di tích này lên tới 25 triệu năm cách ngày nay.

Việc phát hiện những giá trị mới trong hang Xóm Trại và mái đá Làng Vành trong thời gian qua đã chứng tỏ các di chỉ văn hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình còn rất nhiều bí ẩn để thu hút các nhà khoa học tìm đến nghiên cứu tiếp về Văn hóa Hòa Bình.

Tại hội thảo, các địa biểu đã thảo luận về các giá trị của 02 di tích; đồng thời góp ý cho những tài liệu quan trọng để hoàn thiện hồ sơ khoa học để trình Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt đối với 02 Di tích quốc gia Hang xóm Trại và Mái Đá Làng Vành,…

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của 02 di tích Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Qua đó cho thấy, đây là minh chứng cho dấu vết cổ xưa của người nguyên thủy ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tạo mới và làm phong phú thêm tuyến, điểm du lịch lịch sử - văn hóa của tỉnh, kết nối du lịch trong hệ thống, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội, nhất là phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; là cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy các di tích. Đồng thời, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của 02 di tích./.