Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Từ năm 2016 đến năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã triển khai các hoạt động và bước đầu đạt được mục tiêu của đề án đề ra. Bước sang giai đoạn 2, từ năm 2021 đến 2025, việc thực hiện Đề án đã được tích hợp trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc tiểu dự án 2 – dự án 9). Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, UBND các huyện, thành phố tổ chức biên soạn, cung cấp và xuất bản các sản phẩm truyền thông như: Tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới dưới dạng hỏi đáp; lắp đặt Pa nô, cấp phát tờ rơi, áp phích và các bản tin truyền thanh, tài liệu hướng dẫn sinh hoạt các nhóm tuyên truyền nòng cốt; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các hội nghị tuyên truyền; tổ chức các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; đặc biệt đã tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong lứa tuổi học sinh, trong đó có 2 cuộc thi viết và 2 cuộc thi sân khấu đã góp phần thu hút đông đảo học sinh tham gia. Theo kết quả thống kê, số liệu tảo hôn qua các năm giảm dần, từ 500 trường hợp năm 2015 xuống còn 229 trường hợp năm 2023; 6 tháng đầu năm 2024, có 95 trường hợp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tổng quan về thực trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng cán bộ, công chức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; phát huy vai trò, chủ động, tích cực trong việc triển khai, giám sát và thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Tập trung tìm hiểu nghiên cứu, làm rõ những thuận lợi, khó khăn và một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết các vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh để thực hiện. Trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia với những nội dung chuyên sâu để tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số địa bàn còn có tỷ lệ tảo hôn cao, những yếu tố quyết định có ảnh hưởng trực tiếp và đề ra phương hướng tác động, can thiệp hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội thảo là diễn đàn khoa học bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo chuyển biến trong hành vi, làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện hoạt động tuyên truyền pháp luật; huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại trong dân tộc thiểu số./.