Đến năm 2010, Việt Nam đã thành lập được 30 vườn quốc gia, 54 khu bảo tồn thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu khoa học, thực nghiệm với tổng diện tích quy hoạch gần 2,2 triệu ha. Với mục đích bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học quan trọng, quý hiếm, đặc hữu, hệ thống rừng đặc dụng đã và đang được nhà nước đầu tư bảo vệ chặt chẽ và nghiêm ngặt thông qua lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý vườn quốc gia và khu bảo tồn. Tuy vậy, dưới áp lực ngày càng tăng của đói nghèo, sinh kế, ưu tiên phát triển kinh tế thị trường, rừng đặc dụng thường xuyên phải chịu áp lực bởi hoạt động khai thác trái phép, bị đánh đổi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy điện, khoáng sản, du lịch và chuyển đổi mục đích sử dụng. Chất lượng rừng và đa dạng sinh học thuộc hệ thống rừng đặc dụng trên cả nước được cảnh báo đang suy giảm nghiêm trọng.Thực trạng này, nếu không ngăn chặn được, sẽ càng làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng tồn tại của hệ thống này trong tương lai, cũng như hiệu quả của các nguồn lực đầu tư to lớn dành cho rừng đặc dụng.
Đồng quản lý rừng đặc dụng đang được xem như một cách tiếp cận mới có triển vọng đối với vấn đề quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trong cả nước do phương pháp này tính đến lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan tới tài nguyên rừng. Đã có một loạt những chính sách nhà nước mở đường cho việc thực hiện đồng quản lý đối với rừng đặc dụng như Quyết định 07/2012/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng đặc dụng cho Bộ NN&PTNT.
Tại cuộc hội thảo này, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, báo cáo của các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình đã trao đổi những kết quả và bài học kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện các mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam. Đồng thời sôi nổi thảo luận hình thức tiếp cận khác nhau, gợi ý các khuyến nghị chính sách về thực thi cơ chế đồng quản lý, có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, kiến nghị Nhà nước hoàn thiện hơn về chính sách đối với rừng đặc dụng.