“Địa chí tỉnh Hoà Bình” là công trình khảo cứu tổng hợp về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh Hoà Bình, là loại hình nghiên cứu đặc biệt vừa có tính khoa học vừa có tính phổ thông, liên quan đến hầu hết lĩnh vực, các ngành nghề chức năng, sản xuất, tổ chức xã hội…Năm 2015, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình đã cho phát hành cuốn “Địa chí tỉnh Hoà Bình”. Tuy nhiên đến nay theo thời gian một số nội dung thông tin trong cuốn sách cần được bổ sung, chỉnh lý, cho phù hợp với sự thay đổi chung.
Để triển khai Đề tài, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam, các phòng chuyên môn thuộc BTG Tỉnh uỷ đã tiến hành khai thác, sưu tầm tư liệu ở các thư viện, kho lưu trữ, cơ quan chuyên môn, tổ chức xã hội tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hoà Bình phối hợp thực hiện và phân theo nội dung từng phần của đề tài để nghiên cứu; tiến hành khảo sát để phục vụ cho việc biên soạn Đề tài. Sau hơn 1 năm tiến hành, đến nay Đề tài nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cuốn sách “Địa chí tỉnh Hoà Bình” (gọi tắt là Đề tài) đã hoàn thành toàn bộ bản thảo lần thứ nhất. Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ, gồm 7 phần chính, 73 chương với tổng số 2057 trang, nêu bật các mặt của lịch sử tỉnh Hoà Bình từ khởi thuỷ đến năm 2015 gồm: Tự nhiên và tài nguyên, Dân cư – các dân tộc, Lịch sử, Hệ thống chính trị hiện nay, Kinh tế, Văn hoá – xã hội, Lược chí thành phố Hoà Bình và các huyện. Đề tài đã tổng hợp các kiến thức, thông tin cần thiết của tỉnh qua nhiều thời kỳ; trình bày một cách khách quan và toàn diện trên các lĩnh vực, nhấn mạnh những đóng góp của tỉnh Hoà Bình đối với quá trình xây dựng, đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau khi hoàn thành Bản thảo toàn bộ cuốn sách, BCN đề tài đã tiếp nhận được trên 50 ý kiến tham gia góp ý vào nội dung của bản thảo cuốn sách. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao các tác giả biên soạn, thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu, khai thác và xử lý khối lượng tư liệu tương đối đồ sộ. Kết cấu các phần chương, mục, tiểu mục tương đối rõ ràng, chặt chẽ, hệ thống, toàn diện, phù hợp với thực tiễn của tỉnh; nội dung phong phú, sự kiện, vấn đề được đề cập khá chi tiết, cụ thể.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung chính gồm có: cách thức tiếp cận và hệ thống phương pháp nghiên cứu; tính logic trong cấu trúc các chương, mục của bản thảo; độ tin cậy, tính chính xác, tính cập nhật, tính phù hợp của hệ thống tài liệu, các số liệu đã điều tra, thu thập trong bản thảo. Góp ý về kết cấu và bố cục của cuốn sách; hình thức trình bày, văn phong thể hiện. Đề xuất, thống nhất những nội dung cần tiếp tục sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng bản thảo, nhấn mạnh tính đặc trưng các vùng, con người của tỉnh Hoà Bình đối với các địa phương khác của nước ta…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ nhấn mạnh đề tài nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý và xuất bản cuốn sách “Địa chí tỉnh Hoà Bình” là nguồn tư liệu quý có giá trị khảo cứu lưu truyền. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đưa ra những chủ trương, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong hiện tại và tương lai. Đây cũng sẽ là bộ sách quý giúp cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ KH&KT, thanh niên, thiếu niên học sinh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh có cái cái nhìn tổng quát về quá trình biến đổi của tự nhiên, sự thay đổi về địa danh, địa giới hành chính của tỉnh và các địa phương cũng như quá trình phát triển qua các thời kỳ. Với ý nghĩa quan trọng đó, đồng chí Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ đề nghị việc biên soạn, bổ sung, chỉnh lý cuốn sách phải được phân tích kỹ lưỡng; đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, tính khoa học, chính trị và kỹ thuật; toàn diện, sâu sắc và đại chúng; tư liệu phải được đối chiếu, gạn lọc trên những thông tin đáng tin cậy, sắp xếp hệ thống và trình bày logic; các sự kiện, nhân vật cần được biên soạn gắn với từng địa danh, từng ngành, từng cấp trên dịa bàn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển lịch sử của địa phương. Đặc biệt phải đảm bảo tính kế thừa những nội dung cơ bản của cuốn Địa chí Hoà Bình xuất bản năm 2005.
Đồng chí Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ cũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học; công tác chỉ đạo của BTV Tỉnh uỷ cũng như Ban chỉ đạo đề tài; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan đơn, vị. Trên cơ sở đó, Ban chủ nhiệm đề tài, ban biện soạn tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh sửa để cuốn sách hoàn thành đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng./.