DetailController

Quốc phòng - An ninh

Hội thảo khoa học “Các giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phòng - chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh”

03/12/2010 00:00
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tích cực quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng - chống tham nhũng.
Toàn cảnh hội thảo

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan chức năng trong tỉnh triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị mình. Đặc biệt trong 3 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng - chống tham nhũng, lãng phí” và Luật Phòng, chống tham nhũng được gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, tỉnh đã ban hành 105 văn bản, tổ chức 1.082 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng - chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho gần 117.300 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Công tác phòng ngừa tham nhũng tập trung vào: công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ và phương thức thanh toán; phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng… Từ năm 2006 đến nay, cơ quan tố tụng 2 cấp của tỉnh đã khởi tố điều tra 18 vụ án tham nhũng gồm 48 bị cáo, tổng số tiền thiệt hại khoảng 2,76 tỷ đồng.

  Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật tầm quan trọng của công tác phòng - chống tham nhũng và những chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác này cũng như những giải pháp thực hiện của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đặc biệt nêu lên một số hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng như: nội dung công khai, minh bạch còn ít, chưa cụ thể; công tác cải cách hành chính tiến hành chậm, còn nhiều thủ tục rườm rà, chồng chéo; một số chế độ, định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung...
 
Góp ý về một số giải pháp trong tình hình mới, các đại biểu cho rằng, Cần nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác phòng - chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác thanh tra KT-XH; tăng cường vật chất, năng lực hoạt động cho lực lượng chuyên trách về phòng - chống tham nhũng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cần đưa ra xét xử công khai các vụ tham nhũng nghiêm trọng…