Toàn cảnh hội thảo
Văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình ngày nay chính là sự tiếp nối liên tục giá trị của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Qua hàng ngàn năm phát triển, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh rõ nét cuộc sống lao động sản xuất và đời sống tâm linh của cư dân gắn với những di sản văn hóa nổi tiếng như Chiêng Mường, Mo Mường, sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" và rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống giàu bản sắc. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của “Văn hóa Hòa Bình” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương của tỉnh quan tâm. Nhiều di tích khảo cổ học của “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Các nhà khoa học trong và ngoài nước không ngừng nghiên cứu, khám phá về những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của “Văn hóa Hòa Bình”.
TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những đóng góp của Nhà khảo cổ học Madeleine Colani; những phát hiện mới về Văn hóa Hòa Bình và công tác bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ của Văn hóa Hòa Bình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay tham luận về giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền “Văn hóa Hòa Bình” là sự kiện khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, tiếp cận, làm sáng tỏ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị khoa học, từ đó mở ra những góc nhìn mới về thời đại đồ đá. Bên cạnh việc tham gia hội thảo và chuỗi hoạt động kỷ niệm, các đại biểu, các nhà khoa học sắp xếp thời gian thăm quan những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, có dịp tìm hiểu kỹ hơn về tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa các dân tộc để có được những trải nghiệm thú vị và trọn vẹn về mảnh đất, con người Hòa Bình.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các nhà khoa học sẽ nối dài thêm lịch sử nghiên cứu về nền văn hóa rực rỡ này, bổ sung đầy đủ điều kiện, tiêu chí phục vụ công tác xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp để các di tich tiếp tục được quan tâm đầu tư và bảo vệ tốt hơn, góp phần thiết thực trong việc phát huy giá trị của di tích, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có ý nghĩa trong việc quảng bá du lịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của tỉnh nói chung và "Văn hóa Hòa Bình" nói riêng, tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc của nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình; góp phần khơi dậy lòng tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.