DetailController

Chính trị

Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác truyền thông về quyền tiếp cận thông tin đất đai đến cơ sở

16/09/2022 00:00
Hiện nay, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông). Vì thế, đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đã và đang gây áp lực vô cùng lớn lên đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Đất đai ngày càng trở nên có giá trị hơn và cũng trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các tranh chấp. Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi mà sinh kế của hội viên nông dân chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên đất và rừng - các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất thường gây ra những tác động lớn đối với cuộc sống của hội viên nông dân, đặc biệt là nông dân người dân tộc thiểu số (DTTS).
Lễ phát động Chiến dịch truyền thông tuyên truyền về quyền tiếp cận đất đai và hòa giải ở cơ sở năm 2022

Những hạn chế trong hiểu biết về pháp luật đất đai, cũng như những hạn chế trong tiếp cận thông tin và các nguồn lực hỗ trợ đã khiến hội viên nông dân không thể phòng tránh được những rủi ro pháp lý, cũng như không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc hình thành các tổ hòa giải cơ sở là điều kiện cần thiết để giải quyết các vướng mắc xảy ra ở cộng đồng, đặc biệt là trong  tranh chấp đất đai ở cấp cơ sở.

Nhằm góp phần giảm thiểu việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người của hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh và phối hợp với các tổ chức, đơn vị tổ chức, thực hiện các hoạt động, các sự kiện truyền thông, các cuộc trợ giúp pháp lý để giải quyết các xung đột, đặc biệt là về vấn đề liên quan đến đất đai.

Trong 9 tháng, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức chuỗi hoạt động tại 6 xã gồm: Tú Lý, Cao Sơn, Hiền Lương (huyện Đà Bắc), Vạn Mai, Thành Sơn, Chiềng Châu (huyện Mai Châu) tổ chức 16 lớp tập huấn cho 480 lượt người là cán bộ đoàn thể cấp xã, đại diện tổ hoà giải, những người có uy tín ở địa phương; 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 300 thành viên tổ hoà giải ở cơ sở, thông qua đó nâng cao năng lực hòa giải tranh chấp đất đai cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cũng như cán bộ các tổ chức đoàn thể. Đồng thời Hội Nông dân tỉnh cũng cấp phát hàng trăm bộ tài liệu hướng dẫn quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho các hòa giải viên, trưởng xóm, thành viên các tổ chức đoàn thể cũng như cán bộ địa phương có liên quan và tư vấn pháp luật liên quan đến đất đai cho trên 900 lượt người; phối hợp với Đài Truyền thanh địa phương thực hiện và phát sóng 26 tập của Chuyên mục phát thanh “Người sử dụng đất cần biết” nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, giúp người dân có thêm những hiểu biết hữu ích về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, phối hợp với Hội Nông dân 02 huyện Mai Châu, Đà Bắc tổ chức 06 lễ phát động chiến dịch truyền thông về quyền tiếp cận đất đai và hòa giải ở cơ sở với hơn 600 hội viên nông dân tham gia và diễu hành hưởng ứng; 06 cuộc giao lưu sân khấu hoá về nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền tiếp cận đất đai và hòa giải ở cơ sở với sự tham gia của 24 đội thuộc 6 xã và hơn 1.500 người dân đến xem và cổ vũ.

Thông qua các hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thực hiện đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân và quần chúng nhân dân hưởng ứng, qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng về pháp luật đất đai, cũng như vai trò và ý nghĩa của công tác hoà giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, từ đó thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai. Để tiếp tục hỗ trợ các tổ hòa giải và hội viên nông dân nâng cao nhận thức về đất đai, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động: Tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật đất đai và hòa giải ở cơ sở; nghiên cứu các trường hợp điển hình, tổ chức các buổi đối thoại chính sách và đặc biệt là tài trợ cho các sáng kiến cộng đồng nhằm góp phần thúc đẩy và bảo vệ các quyền về đất đai và tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số./.