Để giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngân hàng xem xét cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất. Tổng dư nợ do Hội Nông dân huyện ủy thác tại 3 ngân hàng là trên 583 tỷ đồng, với 5.620 hộ viên vay. Hội cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng hiệu quảnguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân với tổng số tiền là 4,834 tỷ đồng, triển khai tại 30 dự án. Qua các đợt kiểm tra tại cơ sở cho thấy nhiều dự án vay đã đem lại hiệu quả cao, như: Tổ nuôi trâu, Tổ nuôi ong, Tổ trồng rau,… Nhiều lao động có việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ, thu nhập ngày càng ổn định.
Hội chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề… từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xu hướng sản xuất hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 55 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật với trên 1.400 lượt hội viên nông dân tham gia. Nội dung các buổi tập huấn là chuyển giao các kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại cây trồng và kỹ thuật chăn nuôi. Tổ chức 9 lớp tập huấn với gần 600 lượt người tham gia trên sàn Posmat Bưu điện. Sau tập huấn đã có 10 sản phẩm đưa lên sàn. Hội Nông dân huyện cũng đã xây dựng 1 trang Web riêng để giới thiệu những mô hình, những gương sản xuất kinh doanh giỏi, các sản phẩm địa phương, các sản phẩm thương hiệu.
Hiện nay, Hội Nông dân vẫn đang quản lý và phát triển 3 nhãn hiệu tập thể là Cam Mường Động, Bưởi Mường Động, Nhãn Sơn Thủy. Huyện được Cục Trồng trợ cấp cho 2 mã vùng trồng cho cây nhãn, 2 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Mường đông, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thủy. Toàn huyện có 13 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm hữu cơ, VietGAP. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng tiến hành thường xuyên. Số lượng các sản phẩm nông nghiệp được tham gia các hội chợ, các hội nghị, hội thảo ngày càng nhiều. Một số sản phẩm tiêu biểu đã đưa vào hệ thống các siêu thị như: BigC, Vinmat, Vimat+, Copmat, các chợ đầu mối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại huyện, tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhằm thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, Hội đã khuyến khích, động viên các hội viên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành lập và phát triển các hợp tác xã. Tính đến ngày 30/4/2022, huyện Kim Bôi có 45 hợp tác xã. Trong đó có 34 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 11 hợp tác xã lĩnh vực khác. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, làm vai trò trung gian, đầu mối duy trì các chuỗi liên kết trong sản xuất hàng hóa và tiêu thu sản phẩm. Toàn huyện hiện có 22 chuỗi giá trị, điển hình là chuỗi sản xuất mật ong và gà thịt ở xã Hợp Tiến, chuỗi sản xuất hạt giống tại Bình Sơn và Đú Sáng, chuỗi sản xuất rau quả, thực phẩm ở Bình Sơn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Kim Bôi đã tăng cường công tác tuyên truyền,vận động nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp, hiệu quả như: thông qua hội nghị, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, qua hệ thống loa truyền thanh địa phương… qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tạo sự đồng thuận của hội viên trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong nhiệm kỳ, Hội nông dân các cấp đã triển khai xây dựng 28 hàng cây nông dân với tổng chiều dài là 8.340m. Tổ chức và tham gia gần 200 buổi ngày thứ 7 nông thôn mới tại các xóm, thôn trên địa bàn; đóng góp trên 30.000 ngày công lao động, hiến 21.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng khác; sửa chữa gần 80 km đường giao thông, tu sửa 12 km kênh mương nội đồng. Các hội viên tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu. Kết quả đã có 6 khu dân cư kiểu mẫu và 18 vườn mẫu được công nhận./.