Trong nhiệm kỳ 2011- 2015, ngành Tư pháp đã đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và địa phương, đó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Năm 2015, toàn ngành Tư pháp đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp; công tác xây dựng pháp luật có chuyển biến tích cực; nhiều bộ luật, luật quan trọng được trình Quốc hội thông qua và được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt là các đạo luật lớn như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật ban hành VBQPPL; kết quả thi hành án dân sự đạt cao hơn so với năm trước. Công tác hành chính tư pháp tiếp tục đạt kết quả tích cực, đã giải quyết được lượng lớn yêu cầu của người dân; công tác lý lịch tư pháp từng bước khắc phục được tình trạng chậm cấp phiếu thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Định hướng công tác tư pháp năm 2016, nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Tư pháp tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ nội dung, tinh thần của Nghị quyết; triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; đổi mới phương thức và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu biểu dương và ghi nhận kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2015 và nhiệm kỳ 2011-2015. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, ngành Tư pháp trong thời gian tới cần tiếp tục tham mưu, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình mới; triển khai đồng bộ các mặt công tác để thực hiện bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tập trung các nguồn lực, triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật hiện có trong năm 2016; tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật; thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, bất cập để nâng cao hơn nữa công tác thi hành án dân sự; tăng cường quản lý nhà nước đối với việc đổi mới giải quyết thủ tục hành chính...