Năm 2023, ở nước ra, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, ATNĐ ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm, không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân, nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hoá chất, độc, xạ, tràn dầu, hoả hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.
Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Uỷ ban Quốc gia, các Bộ, ngành, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và người dân, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Công tác phòng ngừa đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Công tác tuyên truyền được tăng cường, trong năm có khoảng 40.207 tin, bài về phòng chống thiên tai; tổ chức 239 lớp đào tạo, tập huấn về cứu hộ, cứu nạn cho 18.633 học viên; tổ chức 10 cuộc diễn tập quốc tế, 24 cuộc diễn tập cấp tỉnh; 64 cuộc diễn tập cấp huyện; 162 cuộc diễn tập cấp xã…Các Bộ, ngành, địa phương đã điều động 204.507 lượt người/23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 vụ, cứu được 3.968 người, 207 phương tiện, hướng dẫn, hỗ trợ di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện…Công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng được quan tâm triển khai nhanh chóng, kịp thời; đã hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở…
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; dự báo tình hình thiên tai trong thời gian tới để có giải pháp triển khai nhằm phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương kết quả toàn diện mà các Bộ, ban, ngành, địa phương và Nhân dân đã chung tay góp sức trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm qua. Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Chỉ đạo theo quy định, đảm bảo hoạt động hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn cộng đồng, trong đó tận dụng thông qua hình thức mạng xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ, rà soát kịch bản ứng phó thiên tai. Tăng cường chất lượng dự báo kịp thời, chính xác. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các địa phương. Huy động các nguồn lực đầu tư và các nguồn lực xã hội trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin về các giải pháp phòng, chống thiên tai; đào tạo, tập huấn; công tác dự báo; trang bị cơ sở hạ tầng thông qua các dự án hỗ trợ không hoàn lại tại Việt Nam…/.