Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 12/2017, cả nước có tổng số 26,3 triệu trẻ em, trong đó: Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112,4 bé trai/100 bé gái; việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt nhiều tiến bộ; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân giảm còn 12,4%. Năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ đến trường mẫu giáo đạt 90,9%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 87%. Cả nước có 78 điểm vui chơi dành cho trẻ em cấp tỉnh, 456 điểm cấp huyện và trên 3.500 điểm cấp xã. Tuy nhiên, năm 2017, cả nước có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm khoảng 505 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em, đáng chú ý, trẻ em bị xam hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; người lạ là 12,6%.
Sau khi Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, công tác bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực từ công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện và phối hợp thực hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên, góp phần củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ em. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật; nhiều địa phương ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp để giải quyết các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tại hội nghị, đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ VH và TTDL đã báo cáo tình hình xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường; công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường trách nhiệm của gia dình trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Cùng với đó, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương đã thảo luận các nội dung về: Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo hành trẻ em cho trẻ em, gia đình, cán bộ làm công tác xã hội; tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua; công tác cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em và bố trí ngân sách cho hoạt động trẻ em.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Thủ tướng nêu rõ sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định đảm bảo phù hợp với Luật về trẻ em, việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND xã đứng đầu; bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính. Uỷ ban quốc gia về trẻ em định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em./.