DetailController

Khoa học - Môi trường

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường

26/08/2016 00:00
Sáng 24/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường nhằm đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường, đưa ra các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hòa Bình.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang chủ trì tại điểm cầu Hòa Bình

 Trong những năm qua, hệ thống, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung, từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được ẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Tính từ năm 2006 đến nay đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, buộc các đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được cải thiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, trên phạm vi cả nước còn xuất hiện nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường được dư luận đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu về môi trường; công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường thiếu hiệu lực, hiệu quả; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn kiểm tra, thanh tra còn nhiều bất cập.

Hội nghị đã khẳng định rõ quan điểm và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ: Bảo vệ môi trường là mục tiêu phát triển với vai trò là một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Vì vậy cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong giám sát, thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung phân tích tồn tại, yếu kém, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; kiến nghị về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư; việc phân công, phân cấp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương; đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tại tỉnh Hoà Bình, vấn đề môi trường tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông – lâm sản, chăn nuôi, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ hoặc cố tình không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra 104 cơ sở, lập 104 biên bản kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu khắc phục 184 thiếu sót, vi phạm. Ngoài ra, phát hiện và phối hợp bắt giữ 22 vụ vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường, xử phạt số tiền trên 399 triệu đồng. Thời gian tới, tỉnh ta đề ra sáu giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và đầu tư xây dựng Trung tâm quan trắc mới của tỉnh; đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại những yếu kém. Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo chuyển biến trong kiểm soát môi trường. Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải có sự chuyển biến thực sự trong hành động của các địa phương sau hội nghị này. Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương đã nêu để đưa vào Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành trước ngày 30/8; Lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy quán triệt thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở địa phương mình. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, đôn đốc về vấn đề môi trường, chú ý tránh chồng chéo. Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần nâng cao trách nhiệm về vấn đề môi trường. Thời gian tới, không cho phép đầu tư dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; cần phối hợp chặt chẽ từ việc phê duyệt dự án, kiểm soát dự án và cả khi sự cố môi trường xảy ra; phát huy có hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường; tăng cường huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.