Theo báo cáo kết quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2019 của Bộ Y tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, công tác an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Đã có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi năm đã thanh tra, kiểm tra 712.960 cơ sở và xử lý 55.207 cơ sở/năm với số tiền xử phạt trung bình là 187,8 tỷ đồng/năm.
Từ năm 2017 - 2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011- 2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần). Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn được đẩy mạnh. Hiện nay, đã có 3.794 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP.
Cũng theo Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong, giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực và đánh giá cao những cách làm hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, ngành chức năng cần chú ý thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng tràn qua biên giới vào nước ta; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Quan tâm, khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương quan tâm xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm an toàn, quy mô lớn tại chỗ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn trên quy mô, diện tích lớn, ưu tiên phát triển vùng chuyên canh, hướng tới việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở; tăng kinh phí Nhà nước cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm nếu cần thiết./.