DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án 554 giai đoạn 2009 – 2012

10/04/2013 00:00
Ngày 10/4, Ban điều hành Đề án 554 tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết Đề án 554 giai đoạn 2009 – 2012; triển khai phương hướng, kế hoạch Đề án giai đoạn 2013 – 2016. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, Ngành của trung ương là thành viên BCĐ; lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình

 Đến hết năm 2012, Đề án đã được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước song mới đạt được 50% mục tiêu được phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012. Đề án đã tiến hành lựa chọn ở 26 tỉnh, thành phố tại 3 miền Bắc, Trung , Nam là các địa phương có điều kiện địa lý tự nhiên và trình độ phát triển KT – XH khác nhau để tiến hành khảo sát. Trong 4 năm qua, các cơ quan trong Đề án, địa phương đã tiến hành rà soát, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Ở trung ương đã tổ chức được 189 lớp, đào tạo cho 12.882 người. Ở địa phương đã tổ chức được 1.286 lớp, đào tạo cho 80.799 lượt người. Đề án xây dựng 10 mô hình thí điểm thực hiện TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu sổ tại 10 xã thuộc các tỉnh: Hà Giang, Bắc Giang, Nghệ An, Sóc Trăng, Long An. Thông qua các mô hình thí điểm, đã hình thành cách thức phối hợp tốt hơn trong hoạt động giữa các Tiểu Đề án và các địa phương; việc tuyên truyền đã đi vào trọng tâm, trọng điểm; nội dung, hình thức thiết thực và phù hợp với nhu cầu của người dân tại địa điểm có mô hình. Các cơ quan trung ương trong Đề án đã tổ chức được 445 hội nghị, các địa phương điều hành tuyên truyền phổ biến PL cho 11.588.527 lượt người; biên soạn và phát hành 324.701 sổ tay, 301.345 sách hỏi đáp, 3.059.454 tờ gấp PL, 263.639 tài liệu PL, in ấn và phát hành 34.441 băng đĩa tuyên truyền PL; tuyên truyền, phổ biến PL bằng nhiều kênh, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, đề án còn tuyên truyền thông qua tổ chức Hội thi tìm hiểu PL băng hình thức sân khấu hóa thu hút được hơn 16.000 lượt người ở trung ương và trên 2triệu lượt người ở các địa phương tham gia.

Trong giai đoạn 2013 – 2016, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2009 – 2012 được phê duyệt tại Quyết định số 554. Với nhiều mục tiêu, cụ thể: từ 70% trở lên người dân nông thông tại các vùng nông thôn mới, vùng bãi ngang, hải đảo; trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số tại 1848 xã đặc biệt khó khăn, 69 huyện nghèo, xã vùng sâu, biên giới, vùng có điều kiện KT – Xh khó khăn được tuyên truyền, phổ biến các quy định PL về nông nghiệp và phát triển nông thôn và các quy định PL khác có liên quan…Tổng số kinh phí Đề án thực hiện ở trung ương giai đoạn này ước tính là 76.600 triệu đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án trong giai đoạn 2009 – 2012 của đơn vị và địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao các bản tham luận được trình bày tại hội nghị và kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua. Việc phối hợp và lồng ghép các đề án đã mang lại kết quả tốt, huy động được đông đảo lực lượng tham gia. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung trong chương trình chưa đảm bảo tiến độ, nhiều địa phương chưa tích cực triển khai hoạt động. Định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Quyết định số 409/QĐ-TTg, ngày 09/4/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung của Đề án. Tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và tập trung vào nội dung nổi bật hiện nay như: tuyên truyền Luật giao thông, vệ sinh ATTP, phòng chống bạo lực gia đình…Lồng ghép các chương trình, đề án để giảm thiểu kinh phí. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Các bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục phối hợp trong việc xây dựng các hoạt động cụ thể.