DetailController

Giáo dục

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

12/01/2012 00:00
Ngày 11/1, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện đề án chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành tại các điểm cầu trong cả nước. Dự hội nghị, tại điểm cầu Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố tham gia hội nghị giao ban trực tuyến.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chính thức phê duyệt triển khai từ năm 2009 với tổng kinh phí thực hiện hơn 26 tỷ đồng. Đây là một đề án về đạo tạo nghề cho lao động nông thôn lớn nhất từ trước đến nay cả về quy mô và thời gian thực hiện với bình quân thực hiện đào tạo 1 triệu lao động nông thôn trên 1 năm và 100.000 lượt cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng đào tạo nghề. Sau hai năm thực hiện, đến nay, cả nước đã đào tạo được 789.240 lao động nông thôn, trong đó, 46% lao động học các nghề nông nghiệp, 54% lao động được đào tạo các nghề phi nông nghiệp. Cơ cấu đào tạo nghề cơ bản đã chuyển hướng tích cực khi lao động tham gia học các nghề phi nông nghiệp tăng 3 – 4% so với các năm. Đã có 54/63 tỉnh, thành có hơn 70% lao động kiếm được việc làm sau khi được đào tạo. 

           

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án đã bộc lộ một số hạn chế: tại nhiều địa phương, cơ cấu các ngành nghề chưa phù hợp với người lao động, việc đào tạo nghề chủ yếu mới là các mô hình thí điểm, chưa có sự nhân rộng đại trà, vẫn còn nhiều tỉnh, tỷ lệ lao động được việc làm sau khi đào tạo dưới 70%.

 

Năm 2012, triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước phấn đấu đào tạo nghề cho 600.000 lao động, có ít nhất 70% lao động có việc làm sau khi đào tạo. Chú trọng nâng cao năng lực cho các trung tâm đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng phù hợp.

 

Đối với tỉnh ta, sau hai năm triển khai đề án toàn tỉnh đã tổ chức được 134 lớp học nghề, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 60 lớp, phi nông nghiệp là 74 lớp với tổng số 3.794 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt 71,96%. Tỉnh ta cũng đã đưa ra một số kiến nghị bổ sung TT Dạy nghề các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu là TT Dạy nghề thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30 – 50% với mức hỗ trợ đầu tư 12.500 triệu đồng/ trung tâm. Cấp kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn và có chính sách hỗ trợ cho người lao động sau học nghề và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân- đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong đào tạo nghề cho lao động. Đồng thời, tăng cường truyền thông và cung cấp thông tin cho người lao động được biết để có thể tiếp cận với chương trình đào tạo nghề của đề án. Nâng cao chất lượng cho công tác đào tạo nghề bằng cách đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị học nghề, đào tạo nghề gắn chặt với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển nghề phù hợp với phát triển KT- XH, nguồn nhân lực của địa phương.