Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng để tôn vinh các nỗ lực toàn cầu trong đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai, góp phần cùng các quốc gia nâng cao hiểu biết, trách nhiệm cũng như ghi nhận, biểu dương tổ chức, cá nhân trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13 tháng 10 hằng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN.
Năm 2021, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai có chủ đề “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức kép” nhấn mạnh đến việc các quốc gia cùng chung sức để vượt qua dịch bệnh, khôi phục kinh tế, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích; gây thiệt hại kinh tế khoảng 1-1,5% GDP. Việt Nam thể hiện quyết tâm cao trong đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, cơ quan Liên Hợp quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của Nhân dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng chống thiên tai và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên liên tục của cả hệ thống chính trị. Trong hợp tác quốc tế Việt Nam đã chủ động, đóng góp hiệu quả, tích cực tham gia vào các tổ chức, các diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Để công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị: các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác cảnh báo, dự báo thiên tai. Đổi mới nâng cao công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai từ cấp Trung ương đến cơ sở; từng bước hiện đại hóa lực lượng phòng chống thiên tai. Lồng ghép nội dung, chương trình phòng chống thiên tai trong các chương trình quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư. Củng cố các công trình, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống và khôi phục, ổn định đời sống sản xuất của Nhân dân sau thiên tai. Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cứu trợ. Đồng thời mong muốn các quốc gia, các tổ chức, bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam trong hoạt động phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Với những kết quả đã đạt được, nhân dịp này, Hội nghị đã tiến hành tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai; trao Huân chương lao động hạng Nhất cho ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai; tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc, vinh danh các tổ chức quốc tế đã có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020./.