DetailController

Chính trị

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025

17/12/2024 11:33
Sáng 17/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội năm 2024 tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn. Trong năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam được triển khai đa dạng, phong phú. Qua báo cáo của các địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tính đến nay có 10.188 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 94,7%). Công tác hoà giải ở cơ sở đạt được một số kết quả nổi bật, các hoà giải viên trong cả nước đã tiếp nhận 97.082 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,8%; một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao, như An Giang, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bến Tre, Đồng Tháp...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích kết quả đạt được, thắng thắn chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác tư pháp năm 2024. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. 

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng phát động phong trào thi đua năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp trong thực hiện công tác tư pháp năm 2024. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành Tư pháp cần xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Trong đó tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao./.