Đến tháng 6/2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương: 86. địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); có 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép (trong đó 125 cơ quan báo in thực hiện loại hình điện tử), 67 đài phát thanh truyền hình địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ; trên 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng (ước tăng 13,93% so với năm 2015); tổng nộp ngân sách Nhà nước lĩnh vực báo chí ước đạt 901 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, thời gian qua, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của người dân. Đa số cơ quan chủ quản báo chí đã chỉ đạo cơ quan báo chí thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, đồng thời tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí đảm bảo các tiêu chuẩn về chính trị, nghiệp vụ, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí vẫn còn nhiều khuyết điểm, bất cập, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Nhiều cơ quan báo chí chưa quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về báo chí; một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị; một số cơ quan báo chí chậm đổi mới; tình trạng sai sót, thiếu chuẩn xác trong thông tin; khuynh hướng “thương mại hóa”; hệ thống báo chí thiếu quy hoạch… Gần đây, xuất hiện tình trạng có cơ quan báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng… thậm chí các văn bản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại báo chí ngày càng tăng. Có khi báo chí chỉ nghe một chiều rồi đăng tin, sau đó báo này làm xong bán hoặc đưa cho báo kia, dẫn đến tình trạng sai có hệ thống, sai hàng loạt…
Để hoạt động báo chí phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình giải trí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng hoặc để sai phạm kéo dài. Đồng thời, các Bộ, ngành nên chủ động sắp xếp lại cơ quan báo chí cho phù hợp, không chờ quy hoạch, thì các bước đi sẽ đảm bảo hiệu quả hơn. Các cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí thuộc quyền, đặc biệt lưu ý hơn tới vấn đề phóng viên thường trú, văn phòng đại diện hiện đang có rất nhiều nhức nhối./.