Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đã quán triệt 4 văn bản mới của T.Ư. Thứ nhất là quán triệt Thông báo số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị kết luận về việc thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó có một số lưu ý như tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình sau: hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng nhiệm vụ tương đồng; Chủ nhiệm UBKT cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy tỉnh đồng thời là giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; Chánh Văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND và UBND các huyện. Các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì BTV Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị.
Thứ hai là quán triệt Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Lưu ý giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao.
Thứ ba là quán triệt Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Quy định gồm 3 chương, 9 điều quy định rõ về "nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý biên chế”. Tăng cường phân cấp, phân quyền, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng biên chế. Chỉ thực hiện tăng chỉ tiêu biên chế khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức mới, bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Thứ tư là quán triệt Quyết định số 71-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 (không bao gồm biên chế của Công an, Quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư quán triệt Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Theo đó, mục tiêu đề ra là giai đoạn từ nay đến năm 2025 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý ở nước ngoài với nội dung, chương trình bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm để vừa cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo quản lý vừa nâng cao năng lực và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Lưu ý là sẽ thực hiện theo nhóm đối tượng, hài hòa trong nước và ngoài nước, tăng cường hiệu quả thiết thực.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đã nhấn mạnh thêm một số lưu ý trong các văn bản mới triển khai về công tác tổ chức, cán bộ, biên chế. Đồng thời yêu cầu BTV các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư khẩn trương, nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh cần tổng hợp, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo, tạo sự thống nhất trong việc triển khai thực hiện trên địa bàn cả nước. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.