DetailController

Giáo dục

Hội nghị phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng trung du miền núi Bắc bộ giai đoạn 2012 - 2020

08/01/2013 00:00
Sáng 7/1, tại thành phố Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ giai đoạn 2012 – 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ trướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT; Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thanh Thu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Nguyễn Trọng Đàm, Thứ Trưởng Bộ LĐ- TB&XH; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của 14 tỉnh trung du miền núi Bắc bộ cùng các 21 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Toàn cảnh Hội nghị

 Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 5 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề của vùng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Mạng lưới trường. lớp mầm non, phổ thông phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư; số trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư, tăng nhanh, bình quân 26%/năm; tỷ lệ trẻ mẫu giáo tăng 8,6%/năm; các trường ĐH, CĐ phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp, tổ chức đào tạo linh hoạt. Báo cáo cũng đánh giá một số chỉ số phát triển của giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng vẫn thấp so với bình quân chung cả nước; hạn chế về chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề; nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển KT – XH đang là thách thức lớn đối với các tỉnh trong vùng.

Đối với Hòa Bình, năm 1995, là tỉnh thứ 13 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ; năm 2003 là tỉnh thứ 18 đạt chuẩn THCS; năm 2005 là tỉnh thứ 17 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2012, là tỉnh thứ 2 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 32%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 23%. Toàn tỉnh hiện có 739 trường học từ mầm non đến THPT; 35 cơ sở dạy nghề và 5 trường cao đẳng.

Từ năm 2012 – 2020, các tỉnh trong vùng sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời, củng cố phát triển mạng lưới trường học hợp lý, chú trọng phát triển trường PTDT bán trú, trường PTDTBT, xây dựng trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đủ số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), đạt chuản nghề nghiệp giáo viên và chuẩn CBQLGD; giảm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục; tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục mầm non; duy trì vào nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giao dục THCS, nâng cấp và xây dựng mới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề trong vùng theo hướng đa ngành, đa nghề…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Những năm qua, hệ thống giáo dục ngày càng được hoàn thiện, quy mô tăng nhanh, mạng lưới ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng cao. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng hoàn chỉnh, phủ kín các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm triển khai, đội ngũ giáo viên được bổ sung có trình độ đào tạo ngày càng cao, cơ cấu đào tạo phù hợp, tỷ lệ học sinh sau độ tuổi đến lớp tăng khá, tình trạng bỏ học giảm dần. Tuy nhiên, công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng trung du, miền núi phía bắc còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư nhưng tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm bợ vẫn chưa được khắc phục; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung nhưng còn nhiều bất cập; ý thức của người dân cũng như các điều kiện dành cho con em học tập còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách ưu đãi cho khu vực chưa nhiều; công tác tổ chức tuyển sinh đào tạo và dạy nghề chủ yếu xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động... Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục mầm non, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao năng lực các trường phổ thông dân tộc nội trú, đẩy mạnh xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên. Mặt khác, các địa phương hoàn thiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương gắn với tư duy giáo dục miền núi mới để thúc đẩy công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề phát triển; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học gắn với khu dân cư, phát huy năng lực mạng lưới các trường phổ thông, cải tiến công tác kiểm tra đánh giá cho sát với tình hình thực tiễn để tạo nguồn cho công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong hội nghị, qua đó, hoàn thiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ giai đoạn 2012 – 2020 trình Chính phủ phê duyệt. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý thành lập thêm hai trường đại học trong vùng; giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp, nghiên cứu xây dựng, chọn địa điểm tại địa phương phù hợp vào thời điểm thích hợp./.