Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26 tháng 11 năm 2003, sau gần 10 năm bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thi hành Luật Đất đai nổi lên một số tồn tại, bất cập. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; phát triển nền KT thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; khai thác, sửa dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ TƯ đến cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế những tham nhũng, lãnh phí trong quản lý, sử dụng đất. Giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện về đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 206 điều. Qua nghiên cứu và thảo luận, các đại biểu của 11 huyện, thành phố và đại diện các sở, ban ngành đã đóng góp nhiều ý kiến vào Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, do thời gian triển khai gấp nên việc lấy ý kiến tại các huyện, thành phố chưa được đồng bộ. Các đại biểu về cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có bổ sung và góp ý hướng vào việc phân cấp quản lý về đất đai; bồi thường đất, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; định giá đất…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng chí yêu cầu các đơn vị và địa phương nhanh chóng tổng hợp báo cáo để tỉnh gửi lên Trung ương trước ngày 05/4. Thời gian tới, các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền thông tin tới mọi người dân để lấy ý kiến góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi).