Đề án Tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg và định hướng đến năm 2020 là: Từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đến năm 2020 đưa sông Nhuệ sông Đáy trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển KT-XH ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, Chủ tịch UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đánh giá nhiệm kỳ III (giai đoạn 2015 – 2016) cùng với sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Nam Định và Ninh Bình, việc triển khai Đề án đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể trong nỗ lực giải quyết triệt để ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế sự kết hợp giữa mục tiêu phát triển KT-XH với mục tiêu BVMT nói chung và BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng vẫn còn nhiều bất cập và tồn tại như: thiếu cơ chế đột phá để thực hiện; hoạt động và việc chấp hành quy chế của uỷ ban chưa đảm bảo; tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; công tác phối hợp giữa các địa phương chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả…
Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Quanng và Thứ trưởng
Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2016, UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức thành công 01 phiên họp đánh giá tình hình triển khai giai đoạn 2010 – 2015; 02 đoàn kiểm tra trên địa bàn 05 tỉnh/thành phố thuộc lưu vực. Hệ thống cơ chế, chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Các tỉnh đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT như: trồng rừng đầu nguồn tại tỉnh Hoà Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội…Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho các tổ chức, DN, cộng đồng được tăng cường mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú. Đã tiến hành thanh kiểm tra 3.949 cơ sở, phát hiện hơn 1.135 cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT. Trong đó TP Hà Nội có tỷ lệ số vụ vi phạm cao nhất trong 5 tỉnh/thành phố.
Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo, chất lượng sông Nhuệ vẫn rất kém. Khu vực đầu nguồn hầu như không bị ô nhiễm nhưng đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông thì bắt đầu ô nhiễm do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và các cơ sở sản xuất, làng nghề trong khu vực này. Đặc biệt khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch thì bị ô nhiễm đáng kể. Đối với sông Đáy, so với tháng 7/2015 chất lượng nước bị suy giảm nhẹ, nhất là khu vực thượng lưu. Chất lượng nước kém nhất ở đoạn cầu Mai Lĩnh, khi con sông tiếp nhận nước thải từ các quận, huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ. Sau khi hợp lưu với sông Bùi tại Ba Thá, Ứng Hoà, chất lượng nước được cải thiện đôi chút. Còn trên các nhánh sông khác thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy chất lượng nước tương đối tốt. Các sông nội thành Hà Nội tiếp nhận và dẫn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp của thành phố nên hầu hết đã bị ô nhiễm.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân, những bất cập đang tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án tổng thể sông Nhuệ sông Đáy như: quản lý, kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên lưu vực sông; cơ chế về tài chính cho việc triển khai thực hiện; xử lý triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cũng như công tác chỉ đạo, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai đề án. Thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong khu vực tăng cường hơn nữa công tác phối hợp đồng bộ và rộng khắp; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và xử lý nguồn thải trên địa bàn; duy trì chế độ thông tin và tuyên truyền; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường…Đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp mang tính đột phá, có tính khả thi và hi vọng UBBVMT nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục gánh vác nhiệm vụ, có đóng góp tích cực BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Nhiệm kỳ IV giai đoạn 2017 – 2018, chức vụ Chủ tịch UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được chuyển giao cho đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Nhận trọng trách mới, đồng chí Chủ tịch UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã định hướng và triển khai một số nội dung trong tổng thể Đề án tại Trung ương và các địa phương trên lưu vực sông.
g.