Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Văn phòng Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy báo cáo về tình hình triển khai Đề án trong năm 2015 và đánh giá theo giai đoạn 2011 – 2015, đề xuất triển khai năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020; đại diện Bộ Xây dựng giới thiệu và hướng dẫn triển khai Quy hoạch quản lý chất thải rắn theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tình hình triển khai Đề án và kết quả triển khai công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tại 5 tỉnh, thành phố trong năm 2015. Các đại biểu đã tiến hành thảo luận đánh giá kết quả triển khai đề án, kế hoạch triển khai trong giai đoạn tới và đề xuất các giải pháp, phương hướng riêng cho từng địa phương và toàn bộ lưu vực.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên 7.388km2, . Lưu vực sông Nhuệ - Đáy bao gồm 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hòa Bình. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông, các vấn đề môi trường trên lưu vực sông đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên vẫn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc trong nội tỉnh và liên vùng, liên tỉnh như ô nhiễm do chất thải phát sinh không được thu gom, xử lý, ô nhiễm do chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, môi trường làng nghề, công tác quản lý khai thác cát….
Đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện Đề án theo các mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015 tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được một số kết quả như sau: Đã tiến hành xử lý 39/43 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý được 10/50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; thực hiện phòng, chống tình trạng suy thoái nguồn nước; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên trên thực tế: Tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đô thị vẫn chưa đạt 60%, mới có 65% các khu công nghiệp và khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; chưa tiến hành được xã hội hóa 30% công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên lưu vực; chưa đạt được 10% tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Như vậy, hầu hết các mục tiêu được đề ra trong kế hoạch chưa đạt và gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, khó khăn lớn nhất là ý thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng còn kém; việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề rất khó khăn; tình trạng ô nhiễm nước thải, bụi vẫn chưa khắc phục được, bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí, không đủ thực hiện các nhiệm vụ của công tác bảo vệ môi trường.
Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy năm 2016 tiếp tục giao nhiệm vụ cho các tỉnh nằm trên lưu vực tùy vào tình hình cụ thể của địa phương để triển khai các chương trình hành động phù hợp. Trong đó coi trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, kiểm soát ô nhiễm trên lưu vực; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực; tăng cường thanh tra, kiểm tra…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thống nhất một số nội dung tại hội nghị. Trong đó Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thống nhất thông qua nội dung báo cáo tại hội nghị; sẽ tiếp tục triển khai Đề án thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và phải triển khai thường xuyên. Thống nhất trong thời gian tới cần phối hợp triển khai đồng bộ, rộng khắp, nhằm kêu gọi sự hưởng ứng và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về BVMT; các địa phương và tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT. Đề nghị các bộ: Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương về các vấn đề liên quan tới cơ chế tài chính, xây dựng cơ sở dữ liệu…đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện./.