DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị Giao ban chuyên đề “Nâng cao chất lượng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025”

08/08/2024 16:50
Ngày 07/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề “Nâng cao chất lượng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự có Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Với sự lãnh đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đạt 25.000 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 đạt trên 959,9 tỷ đồng. Đối với Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021-2025 đạt trên 1.589 tỷ đồng, vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2024 đạt trên 982,5 tỷ đồng. Đến nay, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được triển khai hiệu quả và đạt những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,49% năm 2021, xuống còn 9,3% năm 2023. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 là trên 3%, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn. Hiện còn 45 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QÐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. 

Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ giải ngân của các Chương trình còn thấp. Nguyên nhân do các Chương trình được Trung ương chậm giao. Nguồn vốn được giao vào cuối tháng 5 của năm 2022, do đó đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng kế hoạch thực hiện. Quy định tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương còn cao, gây khó khăn cho các địa phương như tỉnh Hòa Bình. Việc phân cấp, phần quyền cho địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu Quốc gia là nguồn lực đầu tư quan trọng đối với địa phương còn khó khăn như tỉnh Hòa Bình. Việc thực hiện hiệu quả 3 Chương trình góp phần phát triển kinh tế bền vững và nâng cao đời sống Nhân dân. Vì vậy, các cấp, các ngành phát huy vai trò lãnh đạo của Cấp ủy, sự quyết liệt của chính quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi triển khai nội dung của 3 Chương trình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh tăng cường giám sát liên quan đến triển khai chủ trương, kịp thời phát hiện khó khăn vướng mắc, tập trung lãnh đạo lập dự toán, giao dự toán cho đồng bộ. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng, kịp thời thể chế hóa các cơ chế, chính sách mới ban hành, làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp, trao quyền, tạo sự chủ động cho cơ sở, đảm bảo nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; việc tổ chức thực hiện Chương trình phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai và minh bạch. Tăng cường thực hiện lồng ghép các nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia với các chương trình khác trên địa bàn tỉnh tạo nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các địa phương tập trung lựa chọn dự án cấp thiết đối với đời sống Nhân dân để triển khai thực hiện. Tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp xã và các phòng tham mưu của cấp huyện; thành lập các tổ công tác hướng dẫn cơ sở triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh, các sở ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm liên quan đến việc giải ngân. Các Bí thư Huyện ủy, Thành ủy tăng cường làm việc với chính quyền, tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia./.