DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 11

23/11/2023 16:19
Ngày 23/11, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy tháng 11 cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và một số nội dung quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị

Cho ý kiến vào Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2023; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 các đại biểu thống nhất đánh giá: Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội. Công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực, có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đối với lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 0,38%; GRDP bình quân đầu người đạt 69,09 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.350 tỷ đồng; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện có 26 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 11.200 tỷ đồng. Tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 73 xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 12,29% xuống còn 9,79% vào năm 2023; Văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm….

Các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh chỉ đạo thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời thống nhất với mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ giải pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với 20 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó phấn đấu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; thu ngân sách Nhà nước đạt 5.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 77,59 triệu đồng; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2,5%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%.... Các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thu, chi ngân sách năm 2023, xây dựng dự toán thu NSNN, thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Theo đó, năm nay thu NSNN giảm mạnh so với dự toán giao. Đến hết tháng 10, thu NSNN trên địa bàn đạt trên 3.000 tỷ đồng, bằng 57% so với dự toán TTCP giao, đạt 41% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao. Trong đó, các khoản thu quan trọng đều đạt thấp như thu tiền sử dụng đất mới đạt 155 tỷ đồng, bằng 8% dự toán TTCP giao; thu từ doanh nghiệp Nhà nước do TƯ quản lý đạt thấp; thu thuế bảo vệ môi trường đạt thấp; kết quả thu NSNN đối với khối huyện, thành phố thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh, thu điều tiết bằng 37% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Với tình hình đó, dự kiến hết năm 2023 thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, bằng khoảng 82% dự toán TTCP giao. Vốn đầu tư công đến hết ngày 31/10 mới đạt khoảng 1.673 tỷ đồng, đạt 17% so với kế hoạch vốn TTCP giao.

Phân tích những khó khăn trong thu NSNN, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu chỉ rõ: Sản xuất điện giảm, thị trường bất động sản trầm lắng nên gây hụt thu ngân sách khoảng trên 2.000 tỷ; Bên cạnh đó tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý thu thuế còn nhiều hạn chế….dẫn tới việc thu NSNN gặp khó. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn do: Nguồn thu từ sử dụng đất chưa đảm bảo theo kế hoạch, tới hết ngày 31/10/2023 mới đạt 191 tỷ, tương đương 5% chỉ tiêu HĐND tỉnh; Khó khăn trong giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tới nay mới đạt 29%; nhiều dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) đạt thấp; mặt khác các chủ đầu tư còn chậm trễ trong hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án vướng mắc trong GPMB….

Để khắc phục những khó khăn trên, các đại biểu đề xuất: Quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh thu NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ tiền sử dụng đất, sổ xố kiến thiết để có nguồn vốn bố trí cho các dự án; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong triển khai kế hoạch đầu tư công; đôn đốc các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công. Kịp thời có phương án điều chỉnh nhiệm vụ chi hợp lý, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, đôn đốc các khoản thu, sắc thuế, đặc biệt là rà soát các khoản nợ đọng để huy động vào NSNN ở mức cao nhất; rà soát cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết…..

Hội nghị cũng cho ý kiến vào Tờ trình xin chủ trương về phê duyệt điều chỉnh chủ trương một số dự án; Tờ trình của Ban Dân vận tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng Dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững; tờ trình về công tác an ninh trật tự, quốc phòng quân sự địa phương và một số nội dung quan trọng khác…..

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, UV dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế sụt giảm; tuy nhiên bằng nội lực mạnh mẽ, tỉnh ta vẫn đạt được một số kết quả khả quan. Ngành nông nghiệp có bước tăng trưởng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng có bước phát triển; số lượng, chất lượng công tác kiểm tra giám sát được nâng lên. Về nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tập trung sơ kết, tổng kết các nghị quyết của TƯ, của tỉnh về xây dựng Đảng; chuẩn bị tốt đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XVIII. Tiếp tục quan tâm tới bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và công tác luân chuyển cán bộ; chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với các đồng chí cán bộ có sai phạm. Đảng đoàn MTTQ tăng cường giám sát, phản biện đối với các vấn đề chính sách, thực thi chế độ trong Nhân dân; giám sát đối với cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, xây dựng đảng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Về KT-XH, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án giao thông chiến lược như  đường Hòa Lạc- Hòa Bình mở rộng; cao tốc Hòa Bình- Mộc Châu; tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, hoàn thiện hạ tầng các KCN, thu hút đầu tư giải quyết việc làm, tạo động lực tăng trưởng; quan tâm tới phát triển văn hóa, xã hội, triển khai đầu tư cơ sở khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung tâm y tế huyện Đà Bắc (cơ sở Mường Chiềng)…nghiên cứu cơ chế đầu tư cho trường chuyên Hoàng Văn Thụ, trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, chuẩn bị cho cán bộ và Nhân dân đón tết nguyên đán vui tươi; tăng cường công tác quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội./.