Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước, dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021 và phương án phân bổ ngân sách năm 2022. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Huy động sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước phòng chống đại dịch Covid-19; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được triển khai thực hiện hiệu quả, có nhiều đổi mới. Ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Dự kiến có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Một số kết quả cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,13%; công nghiệp - xây dựng 40,07%; dịch vụ 30,96%; thuế sản phẩm 5,84%. Hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả tích cực.
Các đại biểu thống nhất các nội dung do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình tại Hội nghị được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, đúng quy trình; cơ bản các ý kiến đồng ý với các dự thảo. Thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, các đại biểu đã đánh giá làm rõ những chỉ tiêu không đạt : Tăng trưởng kinh tế; Thu nhập bình quân đầu người; Tổng đầu tư toàn xã hội; Năng suất lao động; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân. Tập trung vào một số nội dung: thu ngân sách Nhà nước từ đất, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả thấp; công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại thành phố Hòa Bình; công tác phát triển Đảng viên ; tình hình thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; vấn đề ô nhiễm môi trường…Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp đột phá để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2022.
Hội nghị cũng đã cho ý kiến đối với Tờ Trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự thảo văn kiện thay thế Quy định số 47-QĐ, ngày 12/5/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự thảo Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 và Chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá năm 2021, cấp ủy các cấp đã nỗ lực, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó, nổi bật là công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần quan tâm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Trong công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; củng cố, phát triển các tổ chức Đảng; làm tốt công tác quản lý, phát triển đảng viên; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo; các chi, đảng bộ nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Tập trung chăm lo Tết nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng khởi công các công trình trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; quan tâm giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động...
Để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, cần chú ý đến các khoản thu từ đất, thu nợ đọng và thu từ nhà máy thủy điện Hòa Bình. Quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đôn đốc, có biện pháp xử lý mạnh đối với các đơn vị cố tình nợ thuế, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng. Tăng cường quản lý NSNN, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm thắt chặt các khoản chi chưa thật cần thiết, tăng dự phòng ngân sách các cấp chủ động sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ chi đột xuất, nhất là phòng chống dịch bệnh Covid-19, ứng phó với thiên tai, an sinh xã hội. Bố trí kinh phí chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản…/.