Tính đến ngày 30/11/2022, cả nước có 1.980 trang thông tin điện tử (còn hiệu lực), số lượng cấp phép các trang thông tin điện tử (TTĐT) giảm 31,3% so với năm 2021; 956 mạng xã hội được cấp giấy phép, giảm 11% so với năm 2021; 72 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội (tăng 7% so với năm 2021). Bộ đã cấp phép cho 506 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động. Đối với trò chơi điện tử trên mạng: Đã cấp giấy phép G1 cho 248 doanh nghiệp; 143 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận G2,3,4; cấp 1.327 trò chơi điện tử G1 (trong đó có 471 trò chơi dừng phát hành); cấp 12.141 trò chơi điện tử G2,3,4.
Trong năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP “Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội; quản lý chặt chẽ các dịch vụ, nội dung cung cấp xuyên biên giới; đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước…Tạm dừng cấp phép đối với trang tin của cơ quan báo chí, siết chặt điều kiện cấp phép. Đến nay, đã chuyển 134 tên miền gây nhầm lẫn để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra, xử lý. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 1 giấy phép trang tin; xử phạt 12 doanh nghiệp với số tiền là 185.000.000 đồng; tạm dừng 5 tên miền vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành; xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội; tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet. Cùng với đó, tham mưu ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022 - 2027. Công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White List) và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam. Tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và lực lượng Công an để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp./.