DetailController

Giáo dục

Hội Khuyến học tỉnh đa dạng các hình thức tuyên truyền góp phần thực hiện thành công phong trào học tập suốt đời

13/08/2015 00:00
Từ Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, kết quả thí điểm các mô hình học tập của tỉnh đạt được chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Số mô hình được công nhận mô hình học tập đạt tỷ lệ cao. Trong đó, gia đình học tập có 1607/1710, đạt 94%; dòng họ học tập có 208/222, đạt 94%; cộng đồng học tập có 281/312, đạt 90%; đơn vị học tập có 185/185.
Hội Khuyến học Lương Sơn biểu dương khen thưởng các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Các mô hình học tập so với các mô hình hiếu học, khuyến học trước đây đã chú ý đến hiệu quả của việc học tập và điều kiện học tập của đối tượng nhiều hơn. Nhất là đối với người lớn. Kết quả thực hiện thí điểm đã xuất hiện nhiều mô hình học tập điển hình xuất sắc làm cơ sở để các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị khác học tập làm theo. Qua thực tiễn triển khai, tổ chức thực hiện các cơ sở đã xác định tính phù hợp và tính khả thi của các tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập để bổ sung, đề xuất với Trung ương Hội tham khảo xây dựng bộ tiêu chí chính thức trình Chính phủ phê duyệt để triển khai đại trà. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện đề án, cán bộ hội các cấp đã được nghiên cứu, tập huấn, thực hành góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội. Qua thực hiện đề án, Hội Khuyến học càng thể hiện rõ nét vai trò làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong công tác xây dựng xã hội học tập, Hội phối hợp chặt chẽ với Trung tâm học tập cộng đồng triển khai rộng khắp phong trào “Tiếng trống khuyến học”. Theo đó, mô hình Học tập Khuyến học huyện, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn trông cây có múi điện dân dụng, may công nghiệpnhư: Cao Phong, Lạc Sơn, Trung tâm học tập cộng đồng thành phố Hòa Bình Tại huyện Lạc Sơn, phong trào “Tiếng trống khuyến học” được duy trì hiệu quả ở 85% số xã, được học sinh và nhân dân hưởng ứng khen ngợi. Điển hình như các xã Văn Sơn, Ngọc Lâu, Tân Lập, Quý Hoà. Thành phố Hoà Bình mở được 25 lớp tại trung tâm học tập cộng đồng với trên 15 nghìn hội viên. Phong trào “Tiếng trống khuyến học” có 69 xóm, tổ dân phố đã triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.

Để có được kết quả trên, Hội Khuyến học đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Thể hiện trước hết ở công tác tuyên truyền góp phần giáo dục cán bộ, hội viên tiếp nối truyền thống yêu nước. Củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Từ hoạt động tuyên truyền tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tuyên truyền kết quả 4 năm thực hiện Chỉ Thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua đó, phát hiện và biểu dương kịp thời các tổ chức hội, hội viên tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và toàn Hội về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, về vị trí, vai trò của Hội khuyến học và các gương sáng khuyến học.

Bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số khuyết điểm như việc triển khai, tổ chức thực hiện đề án nhiều nơi còn chậm. Số lượng một số các mô hình học tập thấp so với chỉ tiêu đăng kí (gia đình học tập đạt 66%, dòng họ học tập đạt 87%). Việc lựa chọn các mô hình thí điểm đa số là các mô hình thuận lợi, chưa đa dạng. Việc khảo sát, hướng dẫn phấn đấu đạt  chuẩn, kiểm tra, đánh giá các mô hình làm chưa sâu, chưa thường xuyên, quy trình làm chưa rõ nét. Mô hình đạt chuẩn học tập hầu hết là ngại báo cáo, khó tổng kết thực tiễn, khó tuyên truyền và nhân rộng. Kinh phí thực hiện đề án nhiều đơn vị cơ sở chưa được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Thông tin, báo cáo của Hội khuyến học cấp dưới lên cấp trên chưa đầy đủ nội dung, không kịp thời.

Thời gian tới, Hội tăng cường đổi mới công tác kiểm tra, giám sát để có ý kiến, tư vấn, thúc đẩy những vấn đề còn thiếu sót trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua – khen thưởng làm động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội, hướng tới mục tiêu phát triển đa dạng các mô hình xã hội học tập và phong trào học tâp suốt đời ở địa phương.