TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa bày tỏ lo ngại của mình, trước việc Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiền có thể làm hỏng di sản
Được thế giới công nhận và vinh danh, hẳn nhiên đó là một tin vui. Nhưng theo TS. Lê Thị Minh Lý, bên cạnh đó là việc phải lo ngại về những tác động không mong muốn của việc nhận danh hiệu.
“Có những nhận thức quá mức về danh hiệu của di sản, thậm chí là sai lệch, như có tâm lý, khi di sản được công nhận rồi, thì muốn đầu tư nâng cấp, làm cho di sản phải “có gì đó” quy mô hơn, to đẹp hơn, khang trang hơn, phải khác đi so với trước khi chưa được công nhận. Theo tôi, đó là một nhận thức rất nguy hiểm. Cần phải làm sao cho cộng đồng người dân và những người trực tiếp quản lý hiểu rằng, di sản của mình được công nhận không phải là cái gì đó nhất thiên hạ, mà chính là bản sắc được gìn giữ, trao truyền trong đó. Công nhận danh hiệu, là để giữ gìn bản sắc”.- bà nói.
Trong kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản hội Gióng sau khi được công nhận Di sản nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra gần 20 hạng mục công việc phải làm. Trong đó, việc đầu tiên cần thiết là tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, để nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản.
Bà Lê Thị Minh Lý cho rằng, tuyên truyền ở đây là trước hết để cho người dân hiểu đầy đủ trọn vẹn về giá trị của di sản. Và điều quan trọng nữa, là để người dân và các nhà quản lý hiểu rõ bản chất của danh hiệu, đừng quá kỳ vọng vào nó.
Được biết, sắp tới Hà Nội sẽ giành một lượng kinh phí lớn để tập trung cho việc bảo tồn, phát huy Hội Gióng gồm rất nhiều hạng mục công việc cần làm và phải được nghiên cứu, bàn bạc cụ thể. Hà Nội đang tính đến việc quy hoạch tổng thể, tu bổ đường sá, bãi đỗ xe, thậm chí có thể giải tỏa một số công trình nhà cửa gần khu vực lễ hội, để mở rộng không gian cho người dân đi lễ hội.
Tuy nhiên, TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, nếu đầu tư kinh phí mà chưa có nghiên cứu thấu đáo, chưa có sự tiếp nhận nó với một ý thức đầy đủ từ phía cộng đồng, thì “tiền có thể làm hỏng di sản”. Bà cho rằng, đối với những di sản vật thể liên quan đến lễ hội, cần đặt ra một cách chi tiết từng hạng mục cần đầu tư. Bởi có những di sản vật thể, nếu tu bổ sai lệch sẽ ảnh hưởng không gian lễ hội.
Chẳng hạn, như cái bãi đất trống cạnh con đê làng Phù Đổng. Bà cho rằng, nếu có ý tưởng cải tạo lại cho nó sạch sẽ, bê tông hóa và mở rộng ra, sẽ làm mất đi bản sắc Hội Gióng.
“Hội Gióng vốn rất nên thơ, và bãi đất đó là một phần ký ức, là di sản”. Vậy nên, mọi hạng mục đầu tư tôn tạo, cần phải thận trọng, phải được đặt lên bàn thảo luận, trao đổi và nghiên cứu kỹ càng.
Trao di sản về với cộng đồng
Tồn tại hàng thế kỷ nay và ăn sâu bén rễ trong đời sống cộng đồng của làng quê Bắc Bộ, Hội Gióng được coi là lễ hội còn nguyên những nét đặc sắc được gìn giữ trao truyền qua rất nhiều thế hệ. Riêng với lịch sử nghiên cứu, đây cũng là lễ hội có bề dày hơn 700 năm. Bắt đầu từ thế kỷ XIII với An nam chí lược của Lê Tắc. Rồi sau đó, là những tiếp nối bằng những công trình của các học giả như G. Dumoutier, GS Trần Quốc Vượng, các nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, Toan Ánh...
Một điểm chung mà các nhà học giả đều thống nhất, đây là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở châu thổ Bắc Bộ, bởi vai trò của cộng đồng được đánh giá rất cao. Ở đây, sở dĩ vẫn còn giữ được những nét bản sắc độc đáo và thể hiện sâu sắc giá trị văn hóa, lịch sử, là bởi vì cộng đồng luôn luôn có tiếng nói quyết định từ việc thực hành lễ hội cho đến những việc làm bảo tồn.
Vậy nên, khi lễ hội được công nhận là di sản, thì việc cần thiết nhất chính là sự trao truyền đó sẽ được tiếp tục như thế nào. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, di sản là của cộng đồng, cần phải dược đặt đúng trong đời sống và vai trò của cộng đồng là trên hết. Cần hạn chế nhiều nhất, đấy chính là sự can thiệp của những yếu tố từ bên ngoài.
TS Lê Thị Minh Lý đưa ra thí dụ về tính xã hội hóa rất cao làm nên ý nghĩa của Hội Gióng. Những năm gần đây theo dõi lễ hội, bà biết có một gia đình ở Phù Đổng có một cô gái đóng vai cô tướng giặc trong lễ hội. Họ bỏ ra mỗi năm gần 40 triệu đồng để “nuôi” cô tướng giặc ấy, đầu tư từ kiệu hoa, trang phục, cho đến chi phí cho đoàn tùy tùng đi theo. Nhưng họ làm việc đó rất tự nguyện và thoải mái, coi đó là niềm tự hào, là niềm vui. Cái việc họ đóng góp tự nguyện vào lễ hội đó, tân hưởng cái niềm vui đó, chính là một phần tinh thần, ý nghĩa của lễ hội. Cho nên, bà không hình dung được, sẽ thế nào khi những mùa lễ hội tới, những gia đình như thế sẽ được nhận một khoản kinh phí nào đó từ phía nhà nước, hoặc có sự chỉ đạo, can thiệp đầu tư cho nhân vật cô tướng giặc...
Cũng tương tự như thế, trong mấy lễ hội gần đây, có ý kiến phản hồi từ việc những thanh niên cầm cờ mặc áo truyền thống với quần bò. Và thậm chí, có người cho rằng, trong lễ hội tới, khi mà đã được công nhận là di sản thế giới, thì phải có một bộ trang phục thống nhất, đồng bộ cho những nhân vật trong lễ hội.
Thế nhưng, TS. Lê Thị Minh Lý vẫn rất kiên quyết: “Cứ để cho cộng đồng quyết định họ sẽ mặc gì trong lễ hội. Nếu người dân ở đó thấy rằng, họ phải mặc một cái áo truyền thống mà lâu nay họ vẫn mặc, cùng với cái quần bò, thì cứ để cho họ làm thế. Chẳng thà họ cứ mặc thế còn hơn là chúng ta tự nghĩ ra một bộ quần áo mới và bắt họ phải mặc trong lễ hội của họ”.
Nhà nước, và các cơ quan quản lý chỉ nên hỗ trợ cộng đồng trong việc bảo đảm trật tự, quản lý dịch vụ, cung cấp thông tin, giáo dục người dân hiểu và thực hành đúng lễ hội, ngăn chặn những xâm nhập và biến tướng từ bên ngoài.
Để di sản sống và tự nhiên trong đời sống cộng đồng, đó là cách tốt nhất để bảo tồn di sản.