DetailController

Giáo dục

Học sinh trường chuẩn quốc gia phải học phòng tạm

04/06/2018 00:00
Trường mầm non Thanh Hối (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc) được xây dựng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2013. Khi đó, nhà trường có 12 lớp với 300 học sinh. Trung bình mỗi năm nhà trường tăng khoảng 40 – 50 học sinh và tại thời điểm tháng 3/2017, trường có 15 lớp với 444 học sinh nhưng chỉ có 12 lớp học kiên cố đạt tiêu chuẩn, 3 lớp học tạm với diện tích khoảng 20m2, chen chúc hơn 20 cháu. Việc gia tăng nhanh số trẻ lứa tuổi mẫu giáo trong 3 năm trở lại đây là nguyên nhân của tình trạng học sinh trường chuẩn quốc gia nhưng phải học phòng học tạm.
Lớp học tạm chật chội của cô và trò trường mầm non xã Thanh Hối (Tân Lạc).

 Trường mầm non Thanh Hối hiện có 2 lớp nhà trẻ với 69 cháu và 13 lớp mẫu giáo với 375 cháu. Quy mô học sinh tăng đều từ 12 lớp (năm 2013) lên 13 lớp (năm 2014), 14 lớp (năm 2015) và bắt đầu từ năm 2016 là 15 lớp. Trường có 1 chi chính và 2 chi lẻ (chi lẻ xóm Sung, có 1 lớp ghép với 32 cháu; chi lẻ xóm Tam có 2 lớp với 67 cháu). Điều đáng nói, quy mô, số trẻ huy động ra lớp khá đông nhưng thực tế trường lớp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân.

  Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, cô Hiệu trưởng Bùi Thị Tuyết cho biết: Do số học sinh từ 0 – 6 tuổi trên địa bàn xã quá đông nên tuy là trường mầm non của xã nhưng việc tuyển sinh cũng phải cân đối cho phù hợp. Chủ trương là ưu tiên tuyển sinh đảm bảo 100% trẻ từ 4 – 6 tuổi đến trường; trẻ 3 tuổi chỉ tuyển được khoảng 90%, lứa tuổi nhà trẻ hiện mới tuyển sinh được 17,8% trẻ trong độ tuổi, tỷ lệ này là quá thấp. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động nhà trường với sĩ số luôn khoảng 450 cháu, nhà trường đã cố gắng rất nhiều.

  Vì thiếu 3 phòng học nên tại điểm trường chính, nhà trường phải tận dụng phòng làm việc của giáo viên, nhà kho, phòng chức năng… làm phòng học. Tuy nhiên, các phòng này đều có diện tích quá chật (chỉ khoảng 20 m2 – PV) lại được thiết kế xây dựng không phải phòng học nên không đảm bảo về diện tích, không gian, ánh sáng, chức năng… cho việc chăm sóc, nuôi, dạy trẻ. Do đó, hơn 20 cháu phải chen chúc trong căn phòng chật, việc giảng dạy, tổ chức lớp học, hoạt động của trẻ đều bị ảnh hưởng, hạn chế rất nhiều.

  Tại các chi lẻ, do thiếu phòng học nên nhà trường buộc phải hạn chế tuyển sinh, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nhất là lứa tuổi nhà trẻ rất thấp.

  Đáng nói là theo số liệu thống kê, cuối năm 2017, đầu năm 2018, số trẻ sinh ra trên địa bàn xã khá nhiều. Tại thời điểm thống kê (tháng 3/2017), xã Thanh Hối có 1.680 hộ dân và có khoảng trên 300 cháu độ tuổi từ 0 – 2 tuổi. Như vậy, tình trạng thiếu lớp học tại trường mầm non Thanh Hối sẽ ngày càng trở nên căng thẳng.

  Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Dự kiến năm học 2018 – 2019, nhà trường phải tăng thêm 1 lớp để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn. Việc tuyển sinh vẫn phải thực hiện theo hướng ưu tiên trẻ từ 5 – 6 tuổi, sau đó mới đến 4 tuổi, 3 tuổi. Hiện nay, trong khuôn viên nhà trường vẫn còn đất để giành xây phòng học. Nguyện vọng tha thiết của phụ huynh, nhân dân xã Thanh Hối là trường sẽ được xây thêm phòng học, trẻ sẽ được cải thiện điều kiện học tập tốt hơn, phụ huynh yên tâm có chỗ gửi trẻ để lao động, sản xuất.