DetailController

Quốc phòng - An ninh

Hoạt động luật sư ở tỉnh ta – “tre già” thiếu “măng mọc”

06/05/2010 00:00

Đoàn Luật sư tỉnh ta hiện có 8 luật sư, trong đó có 2 luật sư trẻ hành nghề tại Hà Nội, 1 luật sư tham gia Chi nhánh công ty luật Hà Nội ở Hòa Bình, còn lại 5 luật sư hành nghề tại tỉnh.

Đoàn luật sư tỉnh tổ chức đại hội nhiệm kỳ V (2008 - 2011)

Trong 3 năm (2007 – 2009) và những tháng đầu năm 2010, các luật sư đã tham gia bảo vệ, bào chữa hơn 300 vụ án. Hoạt động luật sư đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện công tác bổ trợ tư pháp có hiệu quả. Tuy nhiên, vai trò của luật sư tham gia tố tụng còn hạn chế, nhất là thiếu đội ngũ luật sư trẻ kế cận là những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn hoạt động luật sư ở tỉnh ta. 

 

Đoàn Luật sư là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, kinh phí hoạt động từ thu phí của thành viên. Với số lượng luật sư quá ít, kinh phí thu không nhiều nên điều kiện hoạt động của Đoàn gặp nhiều khó khăn. Luật sư Tô Thanh Hồng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Đội ngũ luật sư tỉnh hiện nay đa số là công chức ngành Tư pháp nghỉ hưu, tuổi cao. Số vụ án tham gia chủ yếu là án chỉ định, mức thù lao thấp, vụ việc khách hàng mời ít. Trong số hơn 300 vụ việc luật sư tham gia bảo vệ, bào chữa phần lớn là theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm TGPL tỉnh, chỉ có khoảng 30 vụ do khách hàng mời.  

 

Ngoài Chi nhánh công ty Luật Hà Nội, trên địa bàn tỉnh còn có 6 văn phòng luật sư hành nghề. Thành viên Đoàn có 3 luật sư tuổi từ 65 – 70 tuổi, 3 luật sư từ 55-60 tuổi, có 2 luật sư dưới 45 tuổi. Cũng theo luật sư Hồng, với những luật sư là công chức nghỉ hưu có thể tạm yên tâm vì có khoản thu nhập cơ bản là lương hưu. Họ tham gia hoạt động bởi tinh thần nhiệt tình và lòng yêu nghề là chính. Nhưng với những luật sư trẻ thì điều này thật sự khó khăn bởi không có thu nhập đồng nghĩa với việc không đảm bảo cuộc sống. Vì vậy mà một số người đã thôi hành nghề hoặc chuyển về Hà Nội, không thu hút được các luật sư trẻ về công tác tại tỉnh. Luật sư Đan Tiếp Phúc, Trưởng văn phòng luật sư Đan Tiếp Phúc cho rằng: Văn phòng luật sư khó có thể sống bằng nghề của mình. Cụ thể như văn phòng của ông trong 3 năm qua tham gia bào chữa 44 vụ, bình quân mỗi tháng chỉ có 1,22 vụ. Số vụ do khách hàng mời 8 vụ, bình quân mỗi năm có 2,66 vụ. Với thù lao của các vụ án chỉ định, Trung tâm TGPL mời chỉ từ vài trăm đến 1 triệu đồng/vụ, khách hàng mời từ 2 – 5 triệu đồng/vụ không đủ để chi trả chi phí đi lại xác minh, thu thập chứng cứ, gặp gỡ đương sự. Bên cạnh đó, việc chi trả thường không kịp thời mà theo đợt vì lý do các cơ quan yêu cầu chưa có kinh phí, luật sư phải tự bỏ tiền ra và nhận thanh toán sau. Thậm chí có luật sư phải dùng tiền lương hưu của mình để nộp lệ phí luật sư. Do đó, nếu luật sư không vì trách nhiệm và lòng yêu nghề thì không vượt qua được.

 

Đối với vụ việc ở địa bàn các huyện xa, giao thông khó khăn là một trở ngại cho các luật sư, nhất là những luật sư cao tuổi. Thời gian qua, Đoàn luật sư luôn đảm bảo có đủ luật sư theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và đương sự, chưa để phải hoãn phiên toà do không có luật sư. Tuy nhiên, việc tham gia còn hạn chế về các vụ án kinh tế, thương mại, có yếu tố nước ngoài.

 

Nói về nguồn phát triển luật sư, luật sư Tô Thanh Hồng nhận định còn hạn chế, chủ yếu vẫn là những người hoạt động trong ngành tư pháp nghỉ hưu, tuổi cao, luật sư trẻ không muốn, không yên tâm hàng nghề ở tỉnh. Đoàn luật sư đã luôn tích cực tuyên truyền, vận động các luật sư trẻ có đủ tiêu chuẩn tham gia tổ chức luật sư. Thực tế thời gian qua cho thấy, các cử nhân luật tham gia một thời gian ngắn, vì không có thu nhập, không sống được bằng nghề nên đã chuyển sang cơ quan nhà nước, hoặc chuyển hành nghề ở nơi khác.

 

Điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về KT-XH, dân trí thấp, người dân chưa được tuyên truyền nhiều về chế định luật sư đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật, mối lo về phải trả chi phí nhiều cho luật sư khi yêu cầu tham gia bào chữa là những nguyên nhân ít có khách hàng mời luật sư. Phần lớn đương sự chông trờ vào cơ quan tố tụng chỉ định luật sư bào chữa cho họ, có trường hợp cử luật sư bào chữa cho đối tượng chính sách họ cũng từ chối.

 

Trước thực tiễn hoạt động luật sư còn nhiều bất cập cần được quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện Đoàn phát huy vai trò thiết yếu của tổ chức luật sư trong đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động tư pháp. Tỉnh có chủ trương, chính sách ưu đãi, thu hút luật sư trẻ tham gia vào tổ chức luật sư trong tỉnh để họ đứng được với nghề và yên tâm phục vụ, xây dựng đội ngũ luật sư kế cận góp phần thúc đẩy hoạt động luật sư ở tỉnh ta có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn.