DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi góp phần phát triển sản xuất

14/08/2023 16:30
Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng nhiều nguồn vốn đang hoạt động phục vụ sản xuất cấp nước tưới chủ động phục vụ cho các vụ sản xuất. Với sự quan tâm, đầu tư bài bản trong nhiều năm, tới nay hệ thống thủy lợi của tỉnh tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thủy lợi hoàn thiện góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Với gần 2.000 công trình thủy lợi, dự kiến trong năm 2023 tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đạt 47,5% (55.679 ha/117000 ha); tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tiêu chủ động đạt khoảng 86%, so với năm 2022 diện tích được tưới tăng thêm 74 ha, đưa diện tích được tưới chủ động từ 55.605 ha (năm 2022) lên 55.679 ha (năm 2023); Diện tích cây trồng cạn được tưới đạt 22% trên tổng diện tích cây trồng cạn (đạt 15.985ha/70.000ha). Đến hết năm 2022, tỷ lệ diện tích lúa được tưới hàng năm đạt trên 95%, đã vượt 5% so với mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.125,5 km, tương ứng với 57,1% (năm 2021 kiên cố được 2.015,7 km, tương ứng với 54,1%) đạt theo kế hoạch giai đoạn đề ra (từ 55 - 60%). Bên cạnh đó, đã có 95,5% số dân trên địa bản tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, tới nay đã có khoảng 1.000 ha sản xuất cây trồng cạn các loại áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn, chiếm khoảng 6,6% diện tích. Bước đầu, việc áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm đem lại hiệu quả bằng việc giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới.

Bên cạnh đó, hệ thống đê của tỉnh ngày càng được kiên cố, nâng cấp. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 48,927 km đê, trong đó bao gồm 6,818 km tăng thêm là tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình); các tuyến đê còn lại thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình gồm có 03 truyến đê cấp III dài 9,2km do Trung ương quản lý là đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong; 02 tuyến đê cấp IV dài 23,730 km và 03 tuyến đê cấp V dài 9,18 km do địa phương trực tiếp quản lý. Hệ thống đê điều liên tục được xây mới, nâng cấp và mở rộng trong những năm và ngày càng kiên cố. Tuyến đê Đà Giang, Quỳnh Lâm trên sông Đà, bảo vệ thành phố Hòa Bình hiện nay đã được nâng cấp mở rộng kết hợp giao thông đô thị với kích thước mặt đê Đà Giang rộng 9m, mặt đê Quỳnh Lâm rộng 13 m và có khả năng chống lũ ở báo động cấp III tương đương mực nước +23m. Tuyến đê Ngòi Dong trong năm 2019 bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đã thi công xây dựng tường chắn sóng trên mặt đê phía sông bằng bê tông cốt thép, chiều dài tuyến 2.075 m, công trình cũng có khả năng chống lũ ở báo động cấp III. Dự án duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm được thực hiện một cách bài bản đã đã đem lại hiệu quả cao cả về đảm bảo an toàn công trình và tạo cảnh quan đẹp cho địa phương. Các tuyến đê bao Yên Trị, Phú Cường; tuyến đê sông Trung Minh, Thanh Lương, Xuân Dương cũng được đầu tư nâng cấp với khả năng chống lũ ở báo động cấp II góp phần đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư các xã ven sông như sông Đà, sông Bôi, sông Đáy.

Nhờ đó, các chỉ tiêu nông nghiệp hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 4,8%, tăng 0,3% so với kế hoạch giao; giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 12,53 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất trồng trọt theo giá so sánh ước cả năm đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117 nghìn ha, bằng 98,6 kế hoạch, trong đó cây lương thực có hạt 71 nghìn ha, sản lượng ước đạt 36,6 vạn tấn; giá trị thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác trồng trọt ước đạt 155 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,73%, trong đó Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,06% trong cơ cấu kinh tế. Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 72,5 nghìn ha, tăng 1,69% so với kế hoạch; diện tích cây lương thực có hạt đạt 35,76 nghìn ha./.