"Hồng nhan bạc phận”, dường như, đấy là mẫu số chung của những má hồng đã được thời gian kiểm chứng. Những câu chuyện buồn, cũng là sự đày ải của những người đẹp xứ Mường, dẫu mỗi phận người là mỗi phận buồn khác nhau
Người đẹp đầu tiên được vinh danh Hoa hậu xứ Mường, và có thể coi đấy là người đầu tiên được trao vương miện Hoa hậu ở Việt Nam, theo các tư liệu để lại là Quách Thị Tẻo, con gái nuôi của quan Tuần phủ Quách Vị, người cai quản xứ Mường Bi đồ sộ, hùng cường nhất trong bốn xứ Mường: Bi – Vang – Thàng – Động.
Người đẹp xứ Mường Quách Thị Tẻo (bên trái) đăng quang năm 1932, cách chúng ta gần 8 thập kỷ. (Ảnh tư liệu)
|
Người đẹp Quách Thị Tẻo lớn lên trong nhung lụa nhà quan Lang, sau này làm vợ của Lang, được tấn phong thành bà Ả (như chức hiệu Vương phi trong các cung vua, phủ chúa dưới xuôi)… Sự xênh xang vật chất, sự thừa thãi về nhung lụa, gấm vóc… có lẽ cũng là bình thường đối với những mỹ nhân và chỉ có một, còn sự ham muốn chiếm đoạt sở hữu cái đẹp thì lại có trong muôn người. Cho nên, “mỹ nhân” và cuộc sống xa hoa, tự nó đã là một cặp đôi song hành từ ngàn năm trước.
Thế nhưng, câu chuyện buồn gắn với cuộc đời hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo, là phải chứng kiến cả một giai đoạn thăng trầm của nhà Lang Mường Bi, từ giai đoạn cực thịnh cho tới lúc suy vi. Tên thật của Quách Thị Tẻo là Hà Thị Tẻo.
Tẻo là con gái thứ 4 của một thương nhân người Tàu, tên Hà Quang Trung. Truyền rằng, ông này sang Việt Nam lập nghiệp với nghề lái trâu. Ông lấy vợ người Kẻ Chợ, cũng là một giai nhân đất kinh kỳ. Thế nhưng, sau khi đã nướng hết đàn trâu này tới đàn trâu khác vào bàn đèn, nõ hút…, trong cơn quẫn bách, ông đã bán cả con cái của mình lấy tiền chơi thuốc phiện. Cô con gái đầu, bán cho một người miền xuôi. Cô con gái thứ 4, mà sau này là hoa hậu xứ Mường, được về nương nhờ cửa nhà lang Quách Vị, lúc đó là Tuần phủ Hòa Bình. Bản thân Hà Quang Trung sau này cũng về làm tôi tớ cho nhà Lang Quách Vị, với công việc bếp núc.
Hoa hậu mường Vang, Quách Thị Tẻo, khi nhận "vương miện".
|
Lại có câu chuyện khác về việc “mua bán” cô bé Hà Thị Tẻo khi ấy mới 6 tháng tuổi, rằng thực chất, Tuần phủ Quách Vị đã trót ăn nằm với một người phụ nữ ở đất Kẻ Chợ trong những lần kinh lý lên Hà Nội, rồi để hợp thức hóa giọt máu của mình, Quách Vị đã mua giọt máu rơi về làm con nuôi để che mắt thế gian…
Dù thế nào thì đứa trẻ 6 tháng tuổi họ Hà về làm người nhà Lang, cũng được đổi sang họ Quách, chính thức uống nước xứ Mường, ăn cơm Mường, và sống trong nhung lụa xa hoa của nhà lang quyền thế nhất…
Bức ảnh chụp hoa hậu Quách Thị Tẻo trong một lần chiếc xe ô tô của Quách Hàm, (Tri châu Lạc Sơn, chồng hoa hậu Quách Thị Tẻo) bị hỏng giữa đường.
|
Tuy là con nuôi, phận gái nhưng không phải vì thế mà Quách Thị Tẻo bị phân biệt đối xử trong nhà lang. Quách Vị đã cho đứa con gái nuôi xinh đẹp được ăn học tử tế, đón thầy về tận nhà để dạy nàng học chữ viết, học cả tiếng Pháp, được học cách thêu thùa, canh cửi… để có thể trở thành một thiếu nữ Mường đủ tài đủ sắc.
Quách Thị Tẻo cũng là người thông minh, khôn khéo, biết lấy lòng cha nuôi, càng làm mát lòng mát dạ quan Tuần phủ. Nàng Tẻo được kẻ hầu người hạ mang xe bò chở nước suối Trì trong vắt về cho nàng tắm. Những hậu duệ của dòng lang họ Quách đất mường Vang vẫn truyền kể, Quách Thị Tẻo thường mặc váy mường bằng sa-tanh gấu nẹp đỏ, có nang (cạp váy) lồ lồ màu sắc rực rỡ thêu đàn chim Việt đuổi khú (rồng) từ bên đăm sang bên chiêu (bên phải sang bên trái), thắt tênh ngang bụng bằng khăn sa Hàng Châu màu trắng. Ngoài ăn cơm moóc troóc ca (cơm xôi đùi gà) nàng còn học ăn các món truyền thống của người Mường như cá ốt, rêu đá phơi khô, trám luộc, uống nước cây bổ máu cho mát gan lợi tiểu, học cách kéo sợi, thêu thùa may vá…
Người chồng Quách Hàm hơn hoa hậu Quách Thị Tẻo 14 tuổi và cũng là con trưởng của quan Tuần phủ Quách Vị, cha nuôi Quách Thị Tẻo.
|
Đến tuổi dậy thì, Quách Thị Tẻo đã dậy sắc hương, khiến cho bao con mắt si mê phải ước ao thèm muốn. Thuở bấy giờ, Quách Hàm, con trai ruột của Quách Vị, đã được cha cho hưởng lộc nhà Lang, cất nhắc lên làm Tri châu thay cho Quách Nhiễm (người Mường Vó) bởi con cả của Quách Nhiễm là Quách Khôi cậy thế cha, làm càn giết người cướp ruộng. Quách Hàm hơn cô em gái nuôi 14 tuổi. Trước khi được nhậm chức Tri châu, Quách Hàm đã có tới 3 bà vợ, nhưng vẫn giữ vẻ phong độ của một “công tử” con nhà Lang quyền thế nhất vùng, lại được người cha có tư tưởng tân tiến, cho theo học trường Pháp ở Hà Nội.
Vẻ sắc nước hương trời của cô em gái nuôi đã làm Quách Hàm si mê tới độ mất ăn mất ngủ. Khi đó, Quách Thị Tẻo vẫn sống cùng cha nuôi Quách Vị ở mãi ngoài tỉnh, nên Quách Hàm luôn kiếm cớ lên tỉnh họp hành, thăm cha mẹ để được đầu mày cuối mắt với cô em gái. Ngược lại, Quách Thị Tẻo cũng bị hớp hồn bởi vẻ đàn ông, phong độ của Quách Hàm…
Tình yêu ấy chỉ được tự do khi Tuần phủ Quách Vị hết khóa quan trường, trở về làm Lang Đá Mường Vang. Quách Thị Tẻo cho người mang thư báo tin cho Quách Hàm lên tỉnh, hai người ăn ở với nhau như vợ chồng. Cả Quách Hàm và Quách Thị Tẻo đều muốn đến với nhau nên đã đặt Quách Vị vào thế đã rồi… Đến khi biết tin, dù bầm gan tím ruột, nhưng Quách Vị cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nụ cười sơn nữ từng đóng khung vĩnh viễn trong bao trái tim của kẻ si tình...
|
Trở lại câu chuyện Hoa hậu xứ Mường. Nhan sắc rực rỡ của Quách Thị Tẻo được khắp các xứ Mường ca tụng, và hầu hết ánh mắt đàn ông đều bị mắc lưới trước nhan sắc ấy. Năm 1932, cuộc thi hoa hậu đầu tiên của xứ Mường do Công sứ người Pháp tổ chức, Quách Thị Tẻo đã được vinh danh.
Thời gian trôi xám những núm chiêng đồng. Dường như tạo hóa không ưu ái bất kỳ ai. Giai đoạn cuối đời của người đẹp đất Mường Vang, hoa hậu Quách Thị Tẻo, là khoảng thời gian chìm trong nghèo khổ, chứng kiến sự suy vi của nhà Lang. Khi quan thầy Pháp phải cuốn gói cút khỏi đất nước ta, thì quyền thế của nhà Lang cũng đi tong.
Là người trong cuộc, nên hoa hậu xứ Mường tận mắt chứng kiến và trải qua những giai đoạn mà giới Lang xứ Mường cố bấu víu vào những kẻ ngoại bang, để mong giữ được chức quyền gió bụi.
Người ta kể rằng, cuối đời Quách Thị Tẻo sống trong nghèo khó và đau đớn với những cơn vật vã vì thiếu thuốc… phiện, như là một sự trả giá cho quãng thời gian ngắn ngủi sống trong nhung lụa, xênh xang quyền lực…