Chúng tôi đến với xã nghèo Tân Mỹ của huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) mới thấy hết được niềm vui của người nghèo khi được T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ bò để mang lại niềm hy vọng thoát nghèo cho họ. Trong những gia đình có cơ hội thoát nghèo lần này có lẽ hộ ông Bùi Văn Hạch ở xóm Cay xã Tân Mỹ huyện Lạc Sơn là vui nhất bởi gia đình ông thuộc diện khó khăn nhất trong xã. Tâm trạng phấn khởi khi có con bò giống ông cho biết, tôi bị mất một chân do tai nạn lao động nên cuộc sống của vợ chồng ngày càng túng quẫn. Hàng ngày, vợ tôi phải đi làm thuê để có tiền trang trải nợ nần, tiền thuốc chữa trị bệnh tật. Hiện nay, gia đình tôi có bốn nhân khẩu, cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Nếu như năm nào mưa thuận, gió hòa thì nông nghiệp được mùa nhưng cũng chỉ đủ ăn. Xét hoàn cảnh gia đình khó khăn, Dự án “ngân hàng bò” của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng gia đình tôi một con bò giống 18 tháng tuổi trị giá hơn bảy triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Ông Hạch tâm sự, ngày được cấp bò, tôi hồi hộp, đứng ngồi không yên cho đến khi tận tay sờ vào con bò của mình mới biết giấc mơ bao năm nay đã trở thành hiện thực. Giờ đây, gia đình tôi đã có con bò giống này, hàng ngày mọi người đi cắt cỏ cho ăn, chăm sóc chu đáo và sử dụng chuồng trại để lấy phân bón ruộng như nhiều hộ đã nuôi bò trong làng. Có lẽ, một vài năm nữa, khi bò sinh sản, gia đình ông sẽ có vốn liếng kha khá, điều mà trước đây không chỉ gia đình ông mà 15 hộ gia đình khó khăn trong huyện không dám mơ tới.
Gia đình ông Bùi Văn Hạch ở xóm Cay xã Tân Mỹ là một trong số 15 hộ khó khăn được xét cấp một con bò giống trong đầu năm nay. Sau khi bò giống đẻ lứa bê đầu tiên, gia đình ông sẽ được toàn quyền sở hữu bò giống. Dự án "Ngân hàng bò" được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại Hòa Bình như đòn bẩy nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các xã nghèo thuộc huyện nghèo phát triển chăn nuôi bò giống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Dự án tập trung chủ yếu vào các hoạt động trao tặng bò giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn; tập huấn triển khai dự án, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên...
Tại xã Bình Chân huyện Lạc Sơn ai cũng biết đến gia đình ông Bùi Văn Hồi, xóm Dải 2. Nhà ông Hồi trước kia còn nghèo phải sinh sống trong ngôi nhà đất tạm bợ. Vậy mà chỉ sau mấy năm được bà con chòm xóm giúp đỡ, đặc biệt là sự vào cuộc của Hội Nông dân xã đã tạo thuận lợi cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời vận động ông tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Qua lần đó ông Hồi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trồng bí, trồng ngô, sắn và trồng mía. Hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất cộng tiền dành dụm gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kinh tế gia đình cũng dần được cải thiện.
Là một tỉnh miền núi nên công tác xóa đói giảm nghèo vẫn luôn được sự quan tâm để nâng tầm về chất lượng, đi sâu vào cuộc sống. Vì vậy, thời gian qua công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không chỉ thực hiện có hiệu quả ở các xã có điều kiện kinh tế thuận lợi mà hiện nay các xã vùng cao, sâu, đặc biệt khó khăn cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm để giúp nhân dân có cuộc sống ấm lo hơn. Để công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai sâu rông, thiết thực Tỉnh ủy Hòa Bình đã có nghị quyết số 04-NQ/TU về công tác xóa đói, giảm nghèo, lao động việc làm, đào tạo, dạy nghề và xuất khẩu lao động, tạo cho cuộc sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh bước chuyển mới. Ngay sau khi có Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm và giai đoạn trong lĩnh vực này. Trong đó có văn bản phân công và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giúp đỡ 79 xã vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Nghị quyết đã được các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp nhận hưởng ứng và cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời kiện toàn lại các ban chỉ đạo. Do đó, các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án được các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai, thực hiện đồng bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã được tỉnh ta triển khai với nhiều giải pháp phù hợp như đầu tư kết cấu hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã tạo sự chuyển biến về nhận thức giảm nghèo ở các cấp, ngành và người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống các hộ nghèo. Với sự triển khai bằng những việc làm cụ thể, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như được tiếp thêm sức mạnh và trực tiếp, tích cực hưởng ứng tham gia bằng các hoạt động thiết thực.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực cán bộ và truyền thông giảm nghèo; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 2.730 cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo cấp huyện, xã; xuất bản 50.000 bản tin xóa đói, giảm nghèo và việc làm. Những nội dung truyền thông đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những mô hình hay, những điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo. Đến nay, đã có hơn 10 vạn lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 726.264 triệu đồng; 34.911 lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 160.030 triệu đồng. Đặc biệt, trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, đến hết năm 2011 trên địa bàn đã có 17.799 hộ nghèo được hỗ trợ tiền và cho vay ưu đãi cải thiện nhà ở; UBMTTQ tỉnh đã chủ trì, vận động quỹ Vì người nghèo được 26.182 triệu đồng và xây dựng 2.032 nhà đại đoàn kết. Bên cạnh đó, dự án phát triển sản xuất, dạy nghề và chuyển giao kỹ thuật đã tiếp sức cho người nghèo từng bước thoát nghèo. Điển hình như mô hình và cấp vốn để phát triển chăn nuôi cho 700 hộ nghèo; hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật khuyến nông, lâm, ngư nghiệp cho 15.000 lượt hộ (trong đó đã tổ chức được 138 lớp dạy nghề cho 4.057 học viên nghèo); kinh phí thực hiện 5.435 triệu đồng. Trong xóa đói, giảm nghèo, tỉnh cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2007-2011). Giai đoạn này, ngân sách T.Ư đã đầu tư hỗ trợ với tổng kinh phí 517.677 triệu đồng và tỉnh đã đầu tư xây dựng 520 công trình, hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi và máy móc thiết bị sản xuất, tổ chức 526 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho 28.118 lượt học viên và chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ và nâng cao đời sống nhân dân.
Có định hướng đúng và phù hợp với lòng dân, trong những năm qua công tác xóa đói giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, MTTQ và toàn dân trên địa bàn tỉnh thực hiện bằng quyết tâm cao nhất. Do đó, đã đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của tỉnh từ 31,31% (năm 2006) xuống còn xuống còn 26,09% (năm 2011) tương đương 50.770/194.600 hộ trong toàn tỉnh. Thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục có các giải pháp nhằm phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 3% số hộ nghèo; huy động sức mạnh tổng hợp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém như công tác giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, số xã có tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (115/210 xã); chưa hỗ trợ nhiều cho các hộ cận nghèo, nội lực của chính các hộ nghèo chưa được thể hiện hết.