DetailController

Khoa học - Môi trường

Hòa Bình triển khai thực hiện Đề án chống rác thải nhựa trong nông nghiệp

21/02/2022 00:00
Những năm gần đây việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt có xu hướng tăng nhanh, tuy nhiên lượng chất thải được thu gom và xử lý đúng quy trình còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, việc thực hiện Đề án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái song song với thúc đẩy sản xuất.
Tỉnh phấn đấu có ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường

Việc sử dụng các vật liệu nhựa trong sản xuất trồng trọt có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Với tổng diện tích gieo trồng khoảng 135.000 ha/năm thì lượng rác thải nhựa thải ra môi trường khoảng 1.793 tấn/năm. Trong đó, nguồn thải lớn nhất là từ bao gói chứa đựng phân bón. Ngoài những loại phân đơn, phân NPK thông thường được đóng bao 40-50kg/bao, còn xuất hiện nhiều dạng phân bón thương phẩm đóng bao gói 20-25kg/bao, hay dạng 1-5kg/bao, đặc biệt ngày càng đa dạng các loại phân bón lá được đóng trong gói thiếc, chai nhựa, phổ biến dạng 100-500g (ml), làm nguồn chất thải nhựa từ bao gói phân bón tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại vật liệu nhựa trong canh tác trồng trọt (màng phủ, lưới cước, nhà lưới, nhà màng ... cũng làm tăng mạnh nguồn chất thải nhựa ra môi trường.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, hàng năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sử dụng khoảng 370 tấn thuốc BVTV các loại. Trong đó thuốc dạng chai (tuýp, lọ, can) nhựa chiếm 70%, dạng gói nhựa khoảng 30%. Khối lượng bao gói dạng chai chiếm khoảng 14,85% so với khối lượng tịnh của chai thuốc; khối lượng bao gói dạng gói chiếm khoảng 5% so với khối lượng tịnh của gói thuốc. Như vậy, với khối lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm khoảng 370 tấn thì sẽ phát sinh khoảng 44,12 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Kèm theo lượng bao gói này là lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao bì; lượng thuốc tồn dư này rất dễ khuếch tán vào không khí hoặc thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nếu không có giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách hiệu quả.

Từ năm 2017 đến nay tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp để hạn chế tác hại của bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, những giải pháp này đã góp phần thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất. Tuy nhiên về tổng thể việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đó là: thiếu nơi thu gom, việc xử lý không đúng cách, không bố trí được kinh phí tiêu hủy….

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh”. Việc thực hiện đề án nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và hiệu quả của hoạt động thu gom, phân loại, lưu trữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; giảm thiểu nguồn rác thải nhựa và tác động bất lợi của rác thải nhựa, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu: Có ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những khu vực sản xuất trồng trọt tập trung được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. 70% các xã, phường, các khu sản xuất trồng trọt tập trung được trang bị thùng thu gom thuốc BVTV sau sử dụng đạt tiêu chuẩn theo quy định. 100% số huyện, thành phố xây dựng khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách hiệu quả.

100% số xã về đích/đăng ký về đích nông thôn mới có hoạt động dịch vụ về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa trong sản xuất trồng trọt.

Ít nhất 70% chất thải nhựa từ sản xuất trồng trọt được phân loại tại nguồn và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

70% cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách nông nghiệp cấp huyện, cấp xã, đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa; các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và ít nhất 50% đội ngũ trưởng thôn/bản được tập huấn, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Có ít nhất 01 cơ sở dịch vụ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa nói chung, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng được nâng cấp/đầu tư với công suất, công nghệ phù hợp với yêu cầu xử lý nguồn thải.

Trong đó, sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: Giảm thiểu, hạn chế nguồn chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, SRI ... để giảm thiểu nguồn rác thải trong sản xuất trồng trọt; Phát động phong trào giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; Tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong việc thu gom, xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng…/.