DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hòa Bình: Tích cực ổn định dân cư, phát triển kinh tế, xã hội vùng chuyển dân sông Đà

22/02/2013 00:00
Sau một thời gian thực hiện dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế, xã hội vùng chuyển dân sông Đà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đến nay đời sống của nhân dân các xã trong vùng đã được cải thiện đáng kể. Tại những địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế như nuôi cá lồng, chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu, trồng luồng mang lại thu nhập; hệ thống giao thông, các công trình xây dựng dân dụng góp phần làm chuyển đổi nhịp sống kinh tế, xã hội, giao lưu hàng hóa; đã hình thành một số hoạt động công nghiệp nhỏ nông thôn.

Vùng hồ sông Đà có diện tích tự nhiên 78.430 ha, trong đó có 1.059 ha đất nông nghiệp và diện tích đất rừng phòng hộ chiếm tỷ trọng lớn. Năm 1989, sau khi hoàn thành công tác di chuyển dân giải phóng mặt bằng và lòng hồ công trình thủy điện Hòa Bình, đã hình thành vùng chuyển dân sông Đà của 5 huyện và thành phố là Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và thành phố Hòa Bình, gồm 26 xã, phường với tổng số 16.913 hộ, gần 70 nghìn khẩu, gồm các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông chia làm 2 vùng: vùng ven hồ 19 xã phân tán trên 100 chòm xóm ven hồ, vùng nội địa gồm 7 xã phường và 10 điểm dân cư ngoài vùng. Trước năm 1995, nhân dân 26 xã chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống khó khăn, gần 60% hộ nghèo, nạn phá rừng làm nương rẫy diễn ra nhiều, giao thông đi lại khó khăn, các mặt văn hóa, y tế, giáo dục chậm phát triển, tỷ lệ thất học cao 18-20%; mới có 6/23 xã có đường ô tô đến trung tâm, chủ yếu là đường cấp phối, mùa mưa đi lại rất khó khăn; hệ thống điện, cấp nước sinh hoạt hầu như chưa có.

Trước những khó khăn trên, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 747/QĐ-TTg phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà thuộc 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Đặc biệt, dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế, xã hội vùng chuyển dân sông Đà được triển khai theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I (1995-2008) với nguồn vốn 779,8 tỷ đồng; giai đoạn II (2009-2015) được phê duyệt 898,6 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên phạm vi 26 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố và 10 điểm chuyển dân tập trung ra các xã, phường ngoài vùng, với gần 17 nghìn hộ, gần 70 nghìn khẩu, với tổng số vốn đầu tư Dự án từ năm 1995 tới năm 2015 là 1.678.468 triệu đồng. Sau 17 năm thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đời sống nhân dân vùng chuyển dân sông Đà Hòa Bình đã được nâng cao.

Hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của các xã vùng hồ đã phát triển khá, góp phần làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Từ việc trồng cây lương thực là chủ yếu sang sử dụng các loại giống mới, trồng các loại cây kinh tế, kết hợp phòng hộ, trồng rừng, cây công nghiệp, chè, mía nguyên liệu…Ngoài ra, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng, cá ao, phát triển tiểu thủ công nghiệp bằng nguyên liệu tại chỗ...Hệ thống giao thông, các công trình xây dựng dân dụng góp phần làm chuyển đổi nhịp sống kinh tế, xã hội, giao lưu hàng hóa được tăng cường, khoa học kỹ thuật được ứng dụng. Tại các địa phương đã hình thành một số hoạt động công nghiệp nhỏ nông thôn như xay sát, chế biến lâm sản. Nhiều nhân tố mới về tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi được phát hiện và nhân rộng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8,5 triệu đồng/người/năm; toàn vùng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36% (theo tiêu chí mới); khoảng 30% số hộ dân trong vùng dự án đã được làm được nhà ở mới, nhiều hộ mua được xe máy, phương tiện sản xuất; 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm…

Do được quan tâm đầu tư nên hiện nay nhiều người dân trong vùng đã được trực tiếp hưởng lợi từ các công trình do dự án đầu tư, các dịch vụ mua bán, trao đổi hàng hóa đã đến với các bản làng vùng cao; học sinh được đến trường trong những phòng học kiên cố, đủ ánh sáng, góp phần giải tỷ lệ thất học từ 15 đến 20% năm 1995 xuống còn 0,2% năm 2012. Hiện nay, toàn vùng có 8 trường học đạt chuẩn quốc gia (gồm cả trung học cơ sở, tiểu học và mầm non). Các công trình nước sinh hoạt, trạm y tế đã thiết thực nâng cao mức sống của nhân dân, người dân được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại y tế cơ sở do đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,8% năm 1995 xuống còn 1,14% năm 2012. Các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, nhà văn hóa, trạm thu phát lại truyền hình được xây dựng và phát huy hiệu quả rõ rệt; nhân dân và cán bộ các xã đã được xem báo, tạp chí phát hành trong ngày, phần lớn các hộ dân đã được tiếp sóng xem truyền hình qua vệ tinh. Hiện nay đã có 73% số làng, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Về môi trường sinh thái, dự án đã đầu tư kết hợp với các chương trình dự án khác trên địa bàn, phần lớn diện tích đất trống, đồi trọc đã được trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Đến nay, toàn vùng hồ có khoảng 30.000 ha rừng trồng mang lại thu nhập cho người dân và góp phần phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình nên đã nâng độ che phủ rừng ở vùng hồ lên 55%. Đặc biệt, nhân dân đã có ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và nhiệm vụ phòng hộ hồ Hòa Bình.

Mặc dù đời sống của nhân dân các xã vùng chuyển dân sông Đà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều thay đổi từ khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện từ năm 1995 tới nay, phát triển sản xuất cũng như ổn định đời sống nhân dân chưa ổn định chắc chắn, chưa bảo đảm sinh kế bền vững lâu dài để người dân tự đảm bảo và nâng cao mức sống của mình, chưa khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm hàng hóa ít, chưa có khả năng cạnh tranh. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể song tỷ lệ các hộ nghèo còn cao; các công trình trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, các công trình dân sinh khác còn thiếu khoảng 35- 40%, nhiều công trình cần được sửa chữa, nâng cấp, một số phải làm lại; điều kiện đường giao thông nông thôn còn khó khăn, đầu ra cho sản phẩm không bền vững nên sinh kế không bảo đảm thường xuyên… Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất hơn nữa, bảo đảm sinh kế cho người dân, đồng thời triển khai điều chỉnh đề án 1588 cho phù hợp với đời sống nhân dân. Hòa Bình cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành TW để tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà giai đoạn 2009-2015./.