Năm học 2011-2012 đã trôi qua ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Để làm được điều đó, ngành đã triển khai đồng các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Bên cạnh đó, giáo dục phổ thông tiếp tục đánh giá sâu và điều chỉnh chương trình ở một số môn học; thực hiện tích hợp một số nội dung trong giảng dạy; hướng dẫn dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém. Ngoài ra, công tác đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả nhất định. Chất lượng giáo dục đại trà được chú trọng, chỉ đạo có chiều sâu, đánh giá thực chất chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Ngành cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS là cơ sở quan trọng thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học. Chú trọng củng cố và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Kết thúc năm học ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc 16/16 lĩnh vực công tác được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu năm học 2011-2012.
Trong giáo dục mầm non, năm học vừa qua ngành đã chỉ đạo phát triển số lượng quy mô trường lớp, giáo viên và học sinh. Theo đó, năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 227 trường mầm non, trong đó có 225 trường công lập, 2 trường tư thục với 2.518 nhóm, lớp, riêng mẫu giáo 55 tuổi là 655 lớp. Toàn tỉnh đã huy động 54.153 trẻ trong độ tuổi ra lớp. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường mầm non được triển khai tích cực và đạt kết quả tốt. Có 225/227 trường có máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức quản lý và tổ chức hoạt động cho trẻ. Bên cạnh đó, giáo dục tiểu học, toàn tỉnh cũng đã huy động 59.926 học sinh đi học, trong đó có 13.035 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,5%. Trong giáo dục trung học ngành đã tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng dạy và học…
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện vùng cao Đà Bắc đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón các em đến trường. Năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT huyện đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành những mục tiêu cơ bản, trọng tâm công tác của ngành đã đề ra. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được các nhà trường hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả tích cực. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ giáo viên, học sinh giỏi đạt khá. Huyện thành lập mới một trường mầm non xã Mường Tuổng, nâng tổng số trường toàn huyện lên 65 trường, gồm 20 trường mầm non, 24 trưởng tiểu học, 17 trường THCS, 4 trường PTCS. Đối với giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 64,6%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Giáo dục tiểu học thực hiện 309 lớp với 4.151 học sinh, có 62 học sinh học hòa nhập, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 26,5%, 32,5% khá, 39,6% trung bình. Bậc THCS có 113 lớp với 2.848 học sinh, 99,3% học sinh lớp 9 được xét và công nhận tốt nghiệp. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ, không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ đảm bảo đạt chuẩn, trên chuẩn. Đến nay, toàn huyện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, riêng năm học 2011-2012 xây dựng được 3 trường đạt chuẩn quốc gia. 20/20 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học-CMC, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. 100%xã, thị trấn hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm học 2012-2013, toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt”; thực hiện những giải pháp đột phá, lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD-ĐT, tập trung vào các nhón nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng giáo dục; quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, giáo dục dân tộc; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị học đường…
Không khí quyết tâm, sẵn sàng cho năm học mới không chỉ ở những trường ở các trường trung tâm mà con lan rộng tới trường khác ở nhiều vùng trong huyện Mai Châu như: Vạn Mai, Tân Dân, Phúc Sạn, Bao La, Piềng Vế, Mai Hạ, Hang Kia…đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện cho rằng: bài học về tính chủ động của các năm học trước được chúng tôi quán triệt, triển khai, thực hiện bằng những việc làm cụ thể, nhất là việc điều hành, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho năm học mới: về đội ngũ, cơ sở vật chất, sự chỉ đạo, thống nhất đối với các ngành học, bậc học ở cơ sở… Năm học này, dự kiến huyện có 1.110 giáo viên và 10.342 học sinh ( trong đó, ngành học mầm non có 233 nhóm lớp với 3.947 HS; tiểu học có 270 lớp với 3.992 học sinh, THCS có 114 lớp với 2.403 học sinh. Thời gian qua, ngành đã tổ chức công tác bồi dưỡng, tập huấn có 1.059 lượt người , ( trong đó, tiểu học : 9 lớp (270 GV), mầm non : 8 lớp (550 GV) , THCS : 16 lớp với 239 GV). Về cơ sở vật chất: hiện nay toàn huyện có 607 phòng học kiên cố ( chiếm 82%,); số phòng học tạm đã giảm đáng kể. Đối với các trường vùng khó khăn, vùng lòng hồ sông Đà như (trường mầm non Tân Dân) với các chi lẻ còn có phòng học tạm, ngành GD&ĐT đã cùng chính quyền địa phương chỉ đạo tập trung tu sửa và làm mới phòng học gỗ để chuẩn bị cho năm học mới.
Theo ông Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh năm học 2012-2013, ngành sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của ngành; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…Đối với giáo dục mầm non sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố, mở rộng quy mô mạng lưới và loại hình các cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tập trung, ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi ở trường. Đối với giáo dục phổ thông sẽ thực hiện nghiêm túc, linh hoạt kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Tiếp tục rà soát, đánh giá thường xuyên chương trình, sách giáo khoa, bảo đảm nội dung dạy học đạt yêu cầu cơ bản, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Đối với giáo dục thường xuyên, củng cố mô hình và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường hiệu quả hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học; đa dạng hóa nội dung chương trình và hình thức học tập. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp…