DetailController

Thể thao

Hòa Bình: Thực trạng phát triển du lịch trong những năm gần đây

12/06/2017 00:00
Hòa Bình có vị trí thuận lợi tiếp giáp thành phố Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc và là vùng đệm trung chuyển giữa đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc. Thành phố Hòa Bình cách Thủ đô Hà Nội 73km, nằm trên tuyến đường bộ quốc lộ 6 và đường thủy sông Đà đi lên các tỉnh Tây Bắc.
Hòa Bình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông…thuận lợi phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng

Hòa Bình là vùng đất còn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi có nền “Văn hóa Hòa Bình”nổi tiếng, quê hương của Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị, nhiều lễ hội truyền thống còn được bảo tồn…dã và đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Tài nguyên thiên nhiên Hòa Bình rất phong phú, núi non hùng vĩ với nhiều hang động đá vôi đẹp như: Quần thể hang động Núi đồng Rồng (huyện Cao Phong); quần thể hang động Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (huyện Tân Lạc); động Trung Sơn (huyện Lương Sơn)…Các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh (huyện Đà Bắc); Ngọc Sơn –Ngổ Luông (huyện Tân Lạc và Lạc Sơn); Thượng Tiến (huyện Kim Bôi); Pà Cò – Hang Kia (huyện Mai Châu), mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm như: dù lượn, leo núi, du lịch giải trí đi bộ, tắm suối…Hồ Hòa Bình có dung tích gần 9,5 tỷ m³, diện tích mặt nước gần 8.000 ha có nhiều đảo lớn nhỏ tạo ra một không gian sinh thái với phong cảnh sông núi hữu tình cùng những loài động, thực vật quý còn được bảo tồn đã được phê duyệt quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia.

Trong những năm qua hiệu lực công tác QLNN về du lịch đã từng bước được nâng cao, hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch được quan tâm, đã thu hút đầu tư khai thác tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư, nâng cấp. Năm 2016, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. 100% xã có đường ô tô, các tuyến giao thông đường thủy trên sông Đà, hồ Hòa Bình, sông Bôi khá thuận lợi; phương tiện tàu, thuyền tập trung trên vùng Hồ Hòa Bình có khảng 200 chiếc.

Trên địa bàn tỉnh đã có 37 dự án được cấp phép đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn đăng ký khoảng 5.050 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các khu, điểm du lịch sinht hái nghỉ dưỡng, khách sạn, sân Golf…Đến nay tàn tỉnh đã có 27 khu, điểm du lịch với 374 cơ sở lưu trú có tổng số 3.291 phòng, trong đó 34 khách sạn, 235 nhà nghỉ; 105 hộ kinh doanh nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Trong giai đoạn 2008 – 2015 du lịch Hòa Bình duy trì mức tăng trưởng khá, số khách du lịch và thu nhập từ du lịch tăng bình quân 20%/năm. Năm 2016, tỉnh Hòa Bình đón hơn 2,27 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế 222 nghìn lượt; thu nhập du lịch đạt 1.038 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã phát hành nhiều tài liệu, ấn phẩm như: “Sách du lịch Hòa Bình”, “Bản đồ du lịch Hòa Bình”, tập gấp, tờ rơi bằng tiếng Việt – Anh giới thiệu các khu, điểm du lịch; các tour, tuyến du lịch; tham gia các Hội chợ du lịch, Hội nghị xúc tiến du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…Tổ chức đón tiếp các đoàn Famtrip, Presstrip trong nước và quốc tế đến Hòa Bình khảo sát, nghiên cứu, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch; cung cấp thông tin giới thiệu về tài nguyên du lịch tỉnh hòa Bình đến các đoàn ngoại giao vủa Việt nam tại nước ngoài.

Tuy nhiên du lịch tỉnh Hòa Bình phát triển chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế và còn những hạn chế như: Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch nên việc thu hút đầu tư phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn, chưa có nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch; chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng và các khu vui chơi giải trí để lưu giữ khách; nguồn nhân lực trong ngành du lịch chủ yếu chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp nên chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả…

Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình xác định phải khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tăng thu ngân sách; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Hòa Bình, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển du lịch, phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương. Phát triển du lịch Hòa Bình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm tăng cường liên kết du lịch với khu vực, cả nước và quốc tế. Mục tiêu cụ thể là: xây dựng điểm du lịch Mai Châu đạt các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia vào năm 2020, Khu du lịch hồ Hòa Bình đạt các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Tỉnh Hòa Bình từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Tắc, khu vực trung du miền núi phía Bắc.