Là tỉnh miền núi, Hòa Bình với phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn không ít khó khăn. Chính vì vậy, Nghị định số 78 của Chính phủ đã giúp tỉnh có nguồn lực hợp lý để hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách phát triển sản xuất. Thực tế quá trình thực hiện Nghị định 78 cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ làm đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn trực tiếp chung tay góp sức thực hiện hiệu quả thiết thực nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hòa Bình đã giải ngân, giúp 12 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn trả lương cho 549 người lao động bị ngừng việc. Nguồn vốn chính sách cũng hỗ trợ 14 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Trần Quang Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giầy Hồng An (huyện Lương Sơn) chia sẻ: Có thời điểm 50% lượng công nhân của công ty phải ngừng làm việc, phần vì dịch bệnh căng thẳng, phần vì nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy khiến cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn. Tuy nhiên, nguồn vốn chính sách ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Lương Sơn đã giúp công ty trả lương cho công nhân, giữ chân lao động, ổn định sản xuất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Sau hơn 20 năm hoạt động, tín dụng CSXH là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đã có trên 644 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho trên 32 nghìn lao động; giúp gần 1,1 nghìn lao động là con hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài… Kết quả, giai đoạn 2002 - 2021 đã có trên 116 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trung bình giảm 5%/năm, góp phần quan trọng cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; chú trọng đầu tư vốn đối với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gắn việc đầu tư nguồn vốn với công tác xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh. “Tín dụng chính sách đã thể hiện vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được Quốc hội đánh giá là một điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Hòa Bình”.
Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Đơn vị đã huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối. Đồng thời, đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo. Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Việt Nam, từ ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức cá nhân. Cùng với đó, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến thời điểm 31.8, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 93.008 triệu đồng, tăng 87.008 triệu đồng so với 31.12.2014. Nhờ vậy, Ngân hàng CSXH tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ tiếp cận, sử dụng các khoản vay ưu đãi để phát triển sản xuất và thoát nghèo.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh khẳng định, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng NTM trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục huy động, tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng CSXH tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách…/.