Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 31/ 5/2017 để cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW. Qua 3 năm thực hiện chương trình hành động, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người lao động ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, an sinh xã hội được tăng cường. Việc Hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, sâu rộng và toàn diện, tạo ra cơ hội và sức bật cho phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, từng bước cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ước đạt được: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,5%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 23,6%; dịch vụ giảm 9,12%; thuế sản phẩm tăng 5,01%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.590 tỷ đồng, chiếm 34% GRDP. Về bảo đảm an sinh xã hội: Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề là 56%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 53,8%. Dự kiến đến cuối năm 2020 giảm 2,8% tỷ lệ hộ nghèo, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững: Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh là 95%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt 98%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 95%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với năm 2015; Phát triển số lượng doanh nghiệp: có 3.656 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 43.713 tỷ đồng. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 53/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ độ che phủ rừng kế hoạch giao trên 51%, đến nay được duy trì ổn định 51,5%, vượt so với chỉ tiêu Kế hoạch và Nghị quyết đề ra. Đến năm 2020 đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân; 25 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 85%; 90-100% chất thải y tế được xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Hòa Bình là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Các doanh nghiệp tại địa phương chưa thực sự quan tâm và hiểu rõ các Hiệp định thương mại tự do, do đó chưa tận dụng được cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Tỉnh Hòa Bình còn thiếu các sản phẩm có thương hiệu mạnh, có tầm cỡ quốc gia. Các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, trình độ quản lý và năng lực sản xuất chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, công tác xây dựng, nhận diện phát triển thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp còn ít...
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, triển khai sâu rộng có hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trên tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 25-CT/TWngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn; Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 31/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Kết luận số 12-KL/TU ngày 28/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Hai là, chú trọng các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt tình hình, tìm hiểu và có thể vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập. Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế... cho cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các cơ chế, chính sách, đảm bảo phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập chung xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh thế xã hội một cách tổng thể, đồng bộ và có tầm nhìn. Xây dựng mục tiêu và tiêu chí cụ thể cho hoạt động thu hút đầu tư. Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đánh giá tình hình thực thi các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế…
Bốn là, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, đặc biệt tập trung ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ phục vụ công tác cải cách hành chính. Đổi mới phương pháp hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong tình hình mới. Theo đó gắn hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch vào từng ngành nghề, sản phẩm cụ thể, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại theo chiều sâu đến từng sản phẩm và lĩnh vực đầu tư.
Năm là, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành lĩnh vực cụ thể theo giai đoạn. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật điện, nước, giao thông vận tại, hạ tầng thương mại, logistics tạo cơ sở vật chất phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tiến tới xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động phát triển sản phẩm
Sáu là, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Gắn việc đào tạo lao động với đơn vị, doanh nghiệp sử dụng, tạo việc làm ổn định cho lao động sau đào tạo. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo và sử dụng nhân lực của tỉnh. Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo. Gắn vai chò nhiệm vụ công tác nghiên cứu khoa học vào nhu cầu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực. Đặt hàng nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao. Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chế biến của địa phương.
Bảy là, quan tâm đầu tư nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch của tỉnh về Hội nhâp kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ Hội nhập kinh tế Quốc tế tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.