Là tỉnh cửa ngõ tây bắc, cách thủ đô Hà Nội 73 km với 11 huyện và thành phố, Hòa Bình là quê hương của nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng. Đây cũng là địa phương có nhiều sông, núi nên có nhiều danh làm thắng cảnh thiên nhiên với hơn 70 hang động khảo cổ. Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng có 37 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, đồng thời có nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Mường Bi, đền Bờ, Chùa Tiên…đã và đang thu hút đông đảo du khách hành hương, trảy hội hàng năm.
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác quản lý của nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng để khai thác các tiềm năng cho phát triển du lịch. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, xã hôi; thu hút được lao động, tạo việc làm, tăng nguồn ngân sách cho địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được khoảng 80 dự án du lịch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó, có hơn 20 dự án đã hoạt động với diện tích đất khoảng 700 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.310 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Đặc biệt, trên địa bàn đã xây dựng được nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế ở các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Mai Châu…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 223 cơ sở lưu du lịch với 2.170 buồng, trong đó có 19 khách sạn với hơn 1.400 người tham gia trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch và phục vụ du lịch và phục vụ các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2006-2010, Hòa Bình đã có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan, trẩy hội (tăng bình quân 24,9%/năm), trong đó có 305.779 lượt khách quốc tế và hơn 3,2 triệu lượt khách trong nước, tổng thu nhập từ du lịch là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là trong thời gian gần đây, số lượng khách đến tham quan, trẩy hội tới Hòa Bình ngày càng tăng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng lượt khách tham quan du lịch là hơn 800 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế là hơn 65 nghìn lượt và hơn 735 lượt khách trong nước với doanh thu đạt 240 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Ngọc Lâm cho biết, để có được những kết quả này là do tỉnh Hòa Bình có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch như các nhà đầu tư được cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường, chính sách đầu tư, danh mục kêu gọi đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành và các quy hoạch liên quan cũng như những thông tin, địa điểm dự kiến đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào các huyện được hưởng ưu đãi đầu tư, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Hòa Bình có quyền lựa chọn vị trí, diện tích đất phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng và giấy phép đầu tư; được miễn giảm tiền thuế thu nhập, thuế đất, mặt nước và nhập khẩu máy móc, thiết bị và được vay vốn tín dụng, bảo lãnh tín dụng đầu tư. Đặc biệt, Hòa Bình cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước hợp tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái trên lòng hồ sông Đà; các dự án du lịch ở vùng cao, vùng sâu để góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời khuyến khích ác dự án du lịch mới gắn với phát triển nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm.
Để tiếp tục đầu tư khai thác và phát huy các tiềm năng nhằm phát triển du lịch nhanh, bền vững cũng như đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Từ đó, phấn đấu trong giai đoạn 2010-2015, số khách đến Hòa Bình tham quan du lịch tăng khoảng 25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20%/năm. Theo đó, Hòa Bình sẽ tăng cường đầu tư phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Trong đó ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng và khu du lịch trọng điểm hồ Hòa Bình. Tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở du lịch nhằm từng bước khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm hình thành hệ thống các tuyến điểm du lịch liên vùng, các điểm du lịch tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng hợp tác và hội nhập. Theo ông Bùi Ngọc Lâm, để làm được điều đó, tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân; quản lý và triển khai có hiệu quả các quy hoạch về phát triển du lịch của tỉnh và từng địa phương; tiếp tục thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường công tác phối hợp liên vùng trong các dự án đầu tư phát triển các tua, tuyến du lịch; đẩy mạnh quảng bá giới thiệu thông tin, dữ liệu về môi trường xúc tiến đầu tư du lịch, ưu tiên đầu tư vào các khu vực trọng điểm; phát triển hệ thống các trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của địa phương.