DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hòa Bình phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản

14/04/2023 16:05
Tỉnh Hòa Bình có diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.695 ha, số lồng nuôi cá 4.900. Riêng trong quý I năm 2023, tổng sản lượng nuôi, khai thác ước đạt khoảng 3.063 tấn.
Riêng trong quý I năm 2023, tổng sản lượng nuôi, khai thác thủy sản toàn tỉnh ước đạt trên 3.000 tấn

Tận dụng tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, tỉnh đã đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt khoảng 2.000 tấn, riêng trong quý I đạt khoảng 500 tấn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp và tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống đang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Sản lượng cá giống ước đạt trên 31 triệu con giống các loại.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, hội nghị kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi, pa nô áp phích người khai thác thủy sản về sử dụng ngư cụ phù hợp, không khai thác khu vực cá tập trung đến đẻ trứng vào mùa sinh sản, việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa dạng hoá giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản, có giá trị kinh tế như: cá Lăng, cá Chiên; cá Trắm đen, cá Chép, cá Bỗng, rô Phi. Thực hiện phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát triển thuỷ sản bền vững, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, ổn định sản xuất đời sống của nhân dân các dân tộc vùng ven hồ thủy điện Hòa Bình gắn với bảo vệ hệ sinh thái và môi trường nước gắn với phát triển du lịch.

Nhờ đó, năm 2022, giá trị kinh tế ngành thủy sản ước đạt 254 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản đạt 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân một lồng nuôi 50m3 đạt khoảng 50 – 70 triệu đồng/năm. Hiện đã có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng cá, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đã ký kết liên danh với các hộ nuôi cá lồng đạt quy chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển thủy sản theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Vận động, khuyến khích thành lập trong năm được 01 hợp tác xã trở lên, tổ hợp tác trong sản xuất thủy sản phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng); tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm chủ động, tích cực thu hút nguồn đầu tư ngoài tỉnh trong lĩnh vực thủy sản. Tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); thực hiện hiệu quả Chương trình giám sát chất lượng và vệ sinh ATTP thủy sản; công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản…