DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Hòa Bình: Phấn đấu tới hết năm 2024 có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

04/10/2024 15:44
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện, đồng bộ, hợp lý, tạo hiệu quả trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, công trình văn hóa…bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; có 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn; xã Hoà Bình, thành phố Hoà Bình). Kết quả xây dựng nông thôn mới đến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 và đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra.
Hạ tầng giao thông nông thôn của các xã trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân

Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Đến hết tháng 9/2024 số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các trình tự, thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hoà Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sau sắp xếp theo Nghị Quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đánh giá theo giai đoạn, hiện số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 80/129 xã đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 và đạt 68,8% kế hoạch tỉnh đề ra; Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 02 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 47 xã. Hiện nay các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông  thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 của tỉnh là 8.802.671 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 161,706 tỷ đồng; Nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện: 123.035 triệu đồng; Nguồn vốn lồng ghép từ ghép từ các Chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh: 527.416 triệu đồng; Vốn tín dụng: 7.965.000 triệu đồng; Vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác: 26.514 triệu đồng.

Nhìn chung, việc triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NMT đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được thực hiện tốt; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn.

Tuy nhiên, cơn bão số 3 YAGI vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất, tài sản của người dân, cũng như hạ tầng cơ sở công cộng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình nói chung và trực tiếp ảnh hưởng đến sự bền vững của một số chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng kinh tế - xã  hội và kinh tế và tổ chức sản xuất như: Giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập và cảnh quan môi trường… trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích năm 2024-2025 hầu hết là các xã khu vực III, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất; tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, chất lượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM còn chậm, do đó dự kiến tỉnh Hoà Bình ban hành các Bộ tiêu chí nông thôn mới (xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới...) trong tháng 10/2024.

Nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2024. Phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá thêm khoảng 16-20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới cuối năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, chất lượng cuộc sống, hướng tới nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để xác định, lựa chọn các địa phương có tiềm năng hoàn thành sớm công tác đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới./.