DetailController

Tin từ các đơn vị

Hòa Bình: Phấn đấu đến năm 2030 trên 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn

06/09/2024 16:30
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 50,4%.
Những năm qua, việc đầu tư các công trình nước sạch và hoạt động hiệu quả đã đem niềm vui nước sạch về cho người dân vùng sâu vùng xa

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung trên quy mô toàn tỉnh. Các công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. việc sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình. Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến hành xây dựng hướng dẫn và triển khai kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Bên cạnh đó, chia sẻ nguồn nước và các thông tin liên quan tới nguồn nước giữa các ngành, địa phương phục vụ công tác cấp nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước; Nâng cao năng lực xét nghiệm chất lượng nước cho các đơn vị cấp nước, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và thiết bị xét nghiệm hiện đại phục vụ công tác nội, ngoại kiểm chất lượng nước.

Nhìn chung, trong những năm qua, công tác cấp nước nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về vai trò tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, phát triển kinh tế xã hội; đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cấp nước tập trung quy mô xã, liên xã, cấp nước tự chảy… bằng các nguồn kinh phí đầu tư từ các Chương trình, dự án, ngân sách địa phương... từ đó, đã nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch qua các năm, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân, cộng đồng.

Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, hầu hết nguồn cấp nước lấy ở các mó nước từ trên đồi về nên hệ thống công trình đầu mối, hệ thống đường ống dẫn nước đầu nguồn chạy dọc sườn đồi xuống khu xử lý nên việc bảo vệ công trình gặp nhiều khó khăn và thường xuyên bị hư hỏng đặc biệt là trong mùa mưa bão. Việc thu tiền sử dụng nước đối với người dân nông thôn (đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo) gặp rất nhiều khó khăn, do người dân coi các công trình nước sinh hoạt là công trình phúc lợi xã hội nên họ nhận thức việc sử dụng nước là miễn phí. Đa số các công trình đã được đầu tư từ lâu, nhiều công trình có quy mô công suất nhỏ, các thiết bị đầu tư không được đồng bộ hiện nay bị hư hỏng lớn cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp dẫn đến khó đáp ứng được tiêu chuẩn sử dụng nước sạch của Bộ Y tế theo quy định hiện hành để phục vụ cấp nước đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa bố trí được kinh phí để triển khai thực hiện do nguồn lực tại địa phương còn hạn chế.

Theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg  ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trên 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Thời gian tới, tiếp tục đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới./.