Theo thống kê, hiện tại diện tích cây có múi tại tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 10.500 ha; trong đó riêng diện tích Cam, Bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha với 7.429 ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt 166,7 nghìn tấn. Hiện nay, Hòa Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như các vùng sản xuất Cam tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất Bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại các huyện: Yên Thủy, Lương Sơn... Giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc.
Cây ăn quả có múi đã được xác định là một trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Đây cũng là một trong số những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình, tạo được thương hiệu của địa phương. Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp Chứng nhận Sở hữu trí tuệ, trong đó có Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong; 6 Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được Chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao.
Để có thành quả đó, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã chủ trì, phối hợp tham mưu trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển bền vững cây ăn quả có múi nói riêng như: Chính sách khuyến khích phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực (hỗ trợ 20 triệu đồng/ha diện tích cây ăn quả có múi trồng mới)…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng CNTT cũng được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… cụ thể tại 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn, hiện tổng diện tích trồng rau hữu cơ của toàn huyện là 22,31 ha, trong đó có hơn 12ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 13,4 ha cây ăn quả của hợp tác xã. Cùng với sản xuất hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, với 119,4 ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật... Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội. Dự kiến đến năm 2023, huyện triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô khoảng 22 ha tại các xã: Cao Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên và Liên Sơn; đồng thời sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5 ha.
Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất Cam tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; Bưởi đỏ tại Tân Lạc; bưởi Diễn tại huyện Yên Thủy và Lương Sơn…
Chính quyền huyện Cao Phong hiện đang khuyến khích người dân trong sản xuất nông nghiệp hữa cơ, nông nghiệp sạch, an toàn; thông tin về quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩn nông nghiệp trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia thực hiện chỉ đạo, quản lý và trực tiếp sản xuất mô hình về quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Trong thời gian tới, để Hòa Bình trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong đó, tập trung những nội dung như: Đẩy mạnh thành lập và nâng cao năng lực hoạt động trong tổ chức sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt về bảo quản, chế biến sản phẩm; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể, nòng cốt để phát triển các chuỗi giá trị, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao./.