Tổng nguồn lực dự kiến huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 là 27.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình khoảng: 610 tỷ đồng (chiếm 2,26%); Nguồn vốn lồng gép từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của các Chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh khoảng: 1.700 tỷ đồng (chiếm 6,3%); Ngân sách địa phương: 780 tỷ đồng (chiếm 2,9%), Vốn tín dụng (ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp vay phát triển sản xuất,...): Dự kiến khoảng 21.000 tỷ đồng (chiếm 77,78%); Vốn doanh nghiệp: Dự kiến khoảng 1.300 tỷ đồng (chiếm 4,81%). Huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng: Dự kiến khoảng 1.610 tỷ đồng (chiếm 5,95%).
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt các chỉ tiêu sau: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: 76,7%; Tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao: 37,4%; Tỷ lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu: 8,1%; 50% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: ít nhất 1 huyện; Bình quân các xã trong tỉnh đạt 17,0 tiêu chí/xã; Chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Kế hoạch thực hiện nhằm đặt mục tiêu chung là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Trong giai đoạn này sẽ tập trung triển khai các nội dung trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn…./.