Trong 3 năm qua, quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 6.660 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 331 cơ sở so với năm 2020. Trong đó có 520 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp (tăng 47 doanh nghiệp so với năm 2020). Các cơ sở sản xuất được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua Chương trình khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp và các đề án phát triển công nghiệp đã hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, đào tạo lao động, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất...
Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo). Ngành công nghiệp sản xuất điện và phân phối điện, Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Trong đó nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện tử, dệt may, chế biến nông, lâm sản... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Hòa Bình; nhóm ngành này đã tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh thuộc ngành chế biến chế tạo (dệt may, chế biến nông sản, lắp ráp linh kiện...). Năm 2022 xuất khẩu sản phẩm lắp ráp điện tử đạt 780 triệu USD chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, xuất khẩu dệt may đạt 450 triệu USD chiếm 31%.
Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Ngành luôn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu giao, góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới biển đảo. Năm 2023, Sản xuất và phân phối điện tăng cao so cùng kỳ năm trước: Trong đó, điện sản xuất ước đạt 9.400 triệu Kwh, điện thương phẩm ước đạt 1.280 triệu Kwh. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn. Đến nay Công ty Điện lực Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành một các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển lưới điện thông minh. Đến nay 100% các trạm biến áp 110kV thuộc phạm vi quản lý của các công ty Điện lực tỉnh và các nhà máy thủy điện có công suất lắp đặt từ 10MW đến 30MW có kết nối hệ thống SCADA về trung tâm điều kiển, A1 theo quy định và 90% đáp ứng đủ tín hiệu SCADA theo quy định. Hoàn thành chỉ tiêu thực hiện 100% các TBA 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực. Tỷ lệ công tơ điện tử và thu thập số liệu đo đếm từ xa cho khách hàng sử dụng điện đạt khoảng 74,2% tổng số công tơ bán điện trên lưới./.