Tháng 5/2012 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 43/KL-TU và Kết luận số 44/KL-TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, bệnh binh và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2015 và các năm tiếp theo.
Về công tác thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 tỉnh đã thực hiện điều chỉnh và chi trả đầy đủ chế độ ưu đãi thường xuyên cho 8.120 người với kinh phí 193 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần và chế độ mai táng phí 13,8 tỷ đồng; ưu đãi giáo dục 5,6 tỷ đồng cho con người có công; ra quyết định thực hiện chế độ cho 130 người và 15 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 10.500 người, kinh phí 13 tỷ đồng; tổ chức điều dưỡng sức khoẻ cho 2.653 lượt người; tặng quà nhân ngày lễ, tết cho 11.000 lượt người, kinh phí 10 tỷ đồng. Tháng 9/2012 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã điều chỉnh mức quà tặng của tỉnh bằng với mức tặng của Chủ tịch Nước đáng chú ý là đã bổ sung đối tượng được nhận quà gồm cả người thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân của người hoạt động cách mạng trước tháng Tám 1945, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đã từ trần, đây là điều rất có ý nghĩa, được nhân dân và người có công đánh giá cao. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã thu được kết quả lớn, có sự phát triển hơn các năm trước. Năm 2012, toàn tỉnh vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt 6,2 tỷ đồng; xây mới 84 nhà tình nghĩa trị giá 2,1 tỷ đồng, nâng cấp tu sửa 121 nhà cho người có công, tặng 410 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 210 triệu đồng, huy động 27.000 ngày công tình nghĩa; xây mới 7 nhà bia ghi tên liệt sỹ, 1 đền thờ liệt sỹ, 176 vỏ mộ liệt sỹ; có 86 cơ sở trường học nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2012) đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu 3 cấp với trên 2000 người có công và thân nhân liệt sỹ được tôn vinh, khen thưởng vì đã có những cố gắng vượt lên sự đau thương mất mát, vượt qua khó khăn do thương tật để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho gia đình và xã hội, là những tấm gương sáng cho cộng đồng và thế hệ trẻ noi theo, trong đó có 426 tập thể, 703 cá nhân được khen thưởng từ cấp xã trở lên. Đồng thời đã tổ chức chu đáo hoạt động tri ân liệt sỹ, tôn vinh các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến; ủng hộ 400 triệu đồng để góp phần xây dựng Tượng đài - bia tưởng niệm liệt sỹ Tiểu đoàn 28 đặc công anh hùng - Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 (có 94 liệt sỹ là con em tỉnh Hoà Bình).
Thông qua công tác thực hiện chính sách ưu đãi và phong trào đền ơn đáp nghĩa đã có 98,0% số hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cơ trú; 96% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác người có công. Một số địa phương, đơn vị điển hình như xã Phú Lão, thị trấn Chi Nê (Lạc Thuỷ), xã Trung sơn, Tân Vinh (Lương Sơn), xã Yên Trị (Yên Thuỷ), xã Thu Phong (Cao Phong), phường Phương Lâm, Chăm Mát (TPHB), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an huyện Kim Bôi, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh…
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác người có công năm 2013 đến năm 2015 và giai đoạn 2015 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-TW, ngày 01/6/2013; Kết luận số 23/KL-TU, ngày 29/5/2012, Kết luận số 63/KL-TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách ưu đãi người có công và các Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP; Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách bổ sung, sửa đổi đối với người có công thì các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Hai là, triển khai đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật, chính sách ưu đãi người có công tới cơ sở. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách người có công. Coi trọng công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra kiểm tra về thực hiện chính sách ưu đãi với người có công.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công nhằm không ngừng phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, người có công; phong trào đền ơn đáp nghĩa, kết hợp chặt chẽ phong trào này với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.