DetailController

Khoa học - Môi trường

Hòa Bình: Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường

30/10/2015 00:00
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xác định đây là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững. Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), công tác bảo vệ môi trường ở Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực.
Người dân tham gia hưởng ứng ngày môi trường thế giới

 Hằng năm, hệ thống tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn; Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh đã được thành lập. Quy định về đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư cũng được thực hiện ngày một chặt chẽ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường được tiến hành thường xuyên. Hình thành cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Sở, ngành, đoàn thể tạo những bước phát triển mới trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã góp phần hạn chế được mức độ gia tăng ô nhiễm và từng bước cải thiện chất lượng môi trường ở một số khu vực trọng điểm. Môi trường tại các khu công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ, một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng các công trình xử lý chất thải. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại thành phố Hòa Bình và các thị trấn trong tỉnh đã và đang từng bước được triển khai xây dựng nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế.

Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường và nhiều hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu như: Tình trạng đất đai bị xói mòn, rửa trôi, khô hạn, mất chất hữu cơ... ở một số vùng, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng trong nông nghiệp đã làm cho một số diện tích đất canh tác bị suy giảm chất lượng.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác Bảo vệ môi trường, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng xã, phường, khu phố đạt chuẩn về môi trường, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình. Thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch bố trí quỹ đất cho xây dựng nghĩa trang, khu xử lý chất thải tại các xã, thị trấn, thị tứ. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, bộ máy làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình "tăng trưởng xanh".

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường và các giải pháp đồng bộ, để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát được việc xả nước thải ra các lưu vực sông chính và khí thải tại các khu vực nhạy cảm. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Tăng cường quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn ngân sách cho sự nghiệp môi trường, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về môi trường. Có biện pháp tích cực để khai thác các nguồn đầu tư từ xã hội, tranh thủ nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường, đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường./.