Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Hòa Bình được đánh giá là một trong những điểm du lịch giàu tiềm năng. Miền đất cư trú hàng vạn năm của người Việt cổ.
Cũng từ ngàn xưa, thiên nhiên đã ưu đãi cho Hòa Bình nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp mê say lòng người.Đó là tác phẩm hội họa trên đá tại hang Đồng Nội, Động Cô Tiên, động người xưa, động Thác Bờ, rừng nguyên sinh Pù Hoọc (Mai Châu), khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, suối nước khoáng Kim Bôi và lòng hồ sông Đà mênh mang sóng nước được ví như một “Hạ Long” thứ hai...
Hoà Bình là cái nôi của nền văn hoá, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Mông... Là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối"; những trường ca, truyện thơ đậm nét văn hóa dân tộc và chất nhân văn tinh tế…Địa danh mà ai đã một lần đặt chân tới khó có thể quên.
Bên bếp lửa nhà sàn
Trung tuần tháng 12 năm 2007, Hòa Bình đăng cai tổ chức thành công “Ngày hội văn hóa dân tộc Mường là thứ nhất”. Ngày hội đã để lại dấu một hình ảnh Hòa Bình tươi đẹp, bình yên qua con mắt bạn bè. Ngày hội không chỉ góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mường mà còn là dịp quảng bá văn hóa – du lịch, thương mại của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.
Hoà Bình có 168 di tích các loại, trong đó có 34 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận di tích cấp Quốc gia; UBND tỉnh xếp hạng 9 di tích cấp tỉnh. Ngoài hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, Hoà Bình còn có hàng vạn hiện vật, tài liệu được sưu tầm, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày ở một số nhà truyền thống cấp huyện. Trong đó có những sưu tập hiện vật quý giá của gần 100 chiếc trống đồng cổ, sưu tập trang phục các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông...
Bản Mường vào ngày hôi mới
Ngoài hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, Hoà Bình còn có hàng vạn hiện vật, tài liệu được sưu tầm, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày ở một số nhà truyền thống cấp huyện. Trong đó có những sưu tập hiện vật quý giá của gần 100 chiếc trống đồng cổ, sưu tập trang phục các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông...
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Hòa Bình đã có định hướng cụ thể, chính sách hấp dẫn để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Hiện đã có có 58 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ, với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều điểm du lịch đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Sân golf Phượng Hoàng – Lâm Sơn – Lương Sơn, một sân golf lớn nhất Đông Nam Á với 54 lỗ đã thu hút nhiều giải quốc tế lớn, với các VĐV tên tuổi đến thi đấu. Không chỉ vậy sân golf đã góp phần để tỉnh Hòa Bình quảng bá hình ảnh của mình trong con mắt bạn bè thế giới và thu hút khách du lịch.
Du lịch ở Mai Châu phát triển nhất là bản Lác (xã Chiềng Châu) và bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu). Bản Lác hiện nay có 25 nhà sàn làm du lịch, bản Pom Coọng có 64 nhà (nhà được xây dựng theo quy hoạch với các tiêu chí chung, có đánh số thứ tự từng ngôi nhà). Các ngôi nhà sàn của người Thái ở hai bản này đều sẵn lòng đón khách với giá rất rẻ từ 25.000 – 45.000 đồng/người/đêm. Và một điều khiến chúng ta cảm thấy ấm cúng khi đến Mai Châu chính là hình ảnh những cụ già tóc bạc trắng và cả thiếu nữ đang mải mê bên khung dệt. Kiên nhẫn dệt từng đường vải, thêu từng hoa văn, khéo léo đẩy từng con thoi, luồn từng sợi chỉ… Hình ảnh người phụ nữ Thái ngồi dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hoá đẹp và sống động của vùng đất du lịch Mai Châu.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 87 doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh du lịch, với 133 khách sạn, nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng kinh doanh lưu trú du lịch và trên 30 bản, làng văn hóa dân tộc đang thực hiện chương trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... Năm qua doanh thu du lịch đã đạt 203 tỉ đồng, tăng 135% so với năm 2006.
Với tiềm năng to lớn, phát triển du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, tạo được nhiều việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh; góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và một lần nữa khẳng định sự hấp dẫn của du lịch Hòa Bình.